Bộ Y tế ngày 14/10 cho phép tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, theo lộ trình từ lớn đến nhỏ, ưu tiên lứa 16-17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. TP HCM dự kiến tiêm khoảng 780.000 học sinh từ lớp 6 đến 12, từ ngày 22/10.
Giải thích lý do trẻ em chậm được tiêm vaccine hơn các nhóm khác, bác sĩ Trần Nam Trung (Tiến sĩ ngành Dịch tễ học tại Đại học Tổng hợp California, Los Angeles, Mỹ), nói "thật ra lứa tuổi nào cũng có thể mắc Covid". Nguy cơ mắc Covid của trẻ em cũng cao như người lớn, nhất là ở trường học, tập trung đông, ý thức vệ sinh, giãn cách kém. Nhưng, khác với người lớn, hầu hết trẻ mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc chỉ bị rất nhẹ, nguy cơ trở nặng là rất thấp và chủ yếu xảy ra trên trẻ có bệnh nền. Theo ông, tiêm vaccine giúp giảm nguy cơ nhỏ này, tránh lây từ trẻ em sang nhóm khác, từ đó giảm khả năng tạo biến chủng mới.
"Trẻ em, thiếu niên dưới 18 tuổi không có bệnh nền được xem là nhóm ưu tiên thấp nhất", bác sĩ Trung nhấn mạnh. Nhóm nguy cơ cao là người cao tuổi và bệnh nền. "Càng ít tuổi thì nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong càng thấp, điều này vẫn đúng với chủng Delta dù nó có độc lực cao hơn các chủng trước", theo bác sĩ Trung.
Phó giáo sư Nguyễn Việt Hùng (Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội), cho rằng vaccine ở Việt Nam thời điểm này như "ăn đong", do đó tiêm theo thứ tự nhóm ưu tiên giảm dần. "Trước tiên là tập trung cho nhóm trên 50 tuổi, sau đó là cho trên 18 tuổi. Khi nào bao phủ hết hai nhóm trên trong cả nước thì mới tính đến trẻ em", phó giáo sư Hùng nói. Đây là lý do Bộ Y tế hướng dẫn ưu tiên tiêm trẻ 16-17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi theo nguồn cung ứng vaccine.
Theo ông Hùng, có nhiều lý do trẻ em được tiêm sau cùng. Đầu tiên, trẻ ít mắc Covid-19 hơn, và nếu mắc cũng ít bị bệnh nặng hơn. Tỷ lệ tử vong rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số các ca Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam, tỷ lệ mắc của nhóm 0-2 tuổi là 2,5%; 3-12 tuổi là 8,9%; 13-17 là 5,7%. Tỷ lệ tử vong ở nhóm 0-2 tuổi là 0,19%; 3-12 tuổi là 0,06%; từ 13-17 tuổi là 0,09%.
Lý do thứ hai, ông Hùng cho rằng khi mở lại trường học, trẻ em thường chỉ ở nhà hoặc tới trường, ít đi lại phức tạp như người lớn. Vì vậy khi xảy ra dịch có thể truy vết dịch nhanh hơn.
Chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em hiện chủ yếu tiến hành ở những nước nhiều vaccine, khi các nhóm tuổi khác đã được tiêm đủ thì có thể cân nhắc tiêm cho trẻ. Trung Quốc đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ cho 91% học sinh ở nhóm tuổi 12-17. Ấn Độ đã cấp phép khẩn cấp vaccine của hãng dược Zydus Cadila cho người từ 12 tuổi trở lên. Canada là một trong những nước đầu tiên cho phép trẻ em từ 12 tuổi trở lên tiếp cận với vaccine Pfizer. Nhiều quốc gia khác đã chấp thuận và triển khai tiêm vaccine Pfizer phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, chẳng hạn Pháp, Israel, UAE, Singapore hay Hà Lan.
Tính đến tối 16/10, Bộ Y tế đã tiêm chủng 61,9 triệu liều cho người trên 18 tuổi. Bộ tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vaccine công nghệ sản xuất khác nhau (vaccine mRNA, vaccine bất hoạt...).
Tại Việt Nam, Bộ Y tế không nói rõ loại vaccine nào được phép tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện cho trẻ 12-17 tuổi. Ngành y tế sẽ tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học (đối với địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường). Cha mẹ, người giám hộ cần ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng.
An Cầm