Đánh giá này được giới chức TP HCM đưa ra trong cuộc họp ban chỉ đạo chống Covid-19 ngày 28/6. Giới chức cũng dự báo số ca nhiễm còn tiếp tục tăng, dù thành phố vẫn tiếp tục giãn cách xã hội.
Trong cuộc họp này, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nói rằng ngay khi phát hiện ổ dịch nhóm Truyền giáo Phục hưng mang chủng Delta (chủng phát hiện lần đầu tại Ấn Độ), thành phố đã dự báo khả năng dịch lây lan nghiêm trọng.
Khi ấy thành phố đã nhanh chóng áp dụng chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc của quận 12 và đạt được những hiệu quả nhất định, khống chế sự lây lan từ ổ dịch lớn, theo Bí thư Thành ủy. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó phát sinh nhiều ổ dịch mới, buộc thành phố phải tăng cường, siết chặt hơn nữa bằng chỉ thị 10.
"Sau hơn một tuần thành phố thực hiện chỉ thị 10, các ca nhiễm và nghi nhiễm vẫn tăng", ông Nên nêu và yêu cầu cần phân tích toàn diện, khoa học, đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện.
Theo giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, đặc điểm lớn nhất trong đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh.
Ông Bỉnh phân tích, chuỗi lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng. Các ổ dịch cộng đồng lớn ghi nhận chủ yếu tại khu nhà trọ, cụm dân cư các quận huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa. Ngoài ra là các bệnh nhân làm việc trong khu công nghiệp, nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.
Người đứng đầu ngành y tế TP HCM đánh giá dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Các ca nhiễm trong cộng đồng còn gia tăng qua các trường hợp có triệu chứng đến khám ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Đây là những ca chỉ điểm (ca phát hiện đầu tiên của một chuỗi lây) từ đó tiến hành truy vết lại các ổ dịch ở khu trọ, cơ sở sản xuất, chợ đầu mối.
Họp báo chiều 28/6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cũng nhận định biến chủng Delta đợt dịch này có nhiều đặc tính khác với các chủng trước đây, mức độ lây lan nhanh nên công tác chống dịch của thành phố quy mô lớn.
Theo ông Đức, thành phố vẫn kiên định với những phương án đã đề ra, theo phương châm "thần tốc", "truy vết", "khoanh vùng rộng" và "cách ly hẹp".
"Với đặc thù là thành phố rộng, đông dân, địa bàn phức tạp, TP HCM luôn áp dụng những biện pháp linh hoạt để vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo duy trì cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn", ông Đức nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị Sở Y tế hình thành các đội công tác đặc biệt khẩn cấp đến 22 quận huyện, TP Thủ Đức và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của trưởng ban khu vực đó. Riêng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung, thành phố giao ban quản lý chịu trách nhiệm cao nhất.
Sở Y tế tăng cường tổ công tác đặc biệt tại các khu vực trên, những nơi có nguy cơ cao như ga Tân Sơn Nhất, cảng hàng hải, bến xe, nhà ga... Đồng thời, tăng cường lực lượng hỗ trợ một số quận huyện đang có tình hình dịch bệnh phức tạp.
Thành phố đang nỗ lực quản lý, giám sát phòng chống dịch trong khu công nghiệp, đơn vị sản xuất, cơ sở khám chữa bệnh, chống lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa, trong khu cách ly tập trung quận huyện và thành phố.
TP HCM giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, riêng quận Gò Gấp và phường Thạnh Lộc quận 12 theo chỉ thị 16, từ ngày 31/5. Từ 20/6, thành phố giãn cách xã hội theo chỉ thị 10 (của UBND thành phố), trong đó có một số biện pháp phòng chống dịch tương tự nội dung chỉ thị 16. Thành phố vẫn áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10 sau 0h ngày 29/6, khi số ca mắc Covid-19 đang tăng cao mỗi ngày.
Thời gian qua, thành phố tiến hành song song 4 mũi chiến lược chống dịch, đều yêu cầu cấp bách, là tăng cường xét nghiệm diện rộng, truy vết, nâng năng lực điều trị, tiêm vaccine phòng Covid-19.