Họp báo về công tác phòng chống Covid-19 TP HCM, ngày 25/6, giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, cho biết sau khi có kết quả test nhanh, người dương tính sẽ được cách ly ngay, lấy mẫu đơn để xét nghiệm khẳng định RT-PCR. Người âm tính thì sau đó xét nghiệm mẫu gộp để quét qua một lần nữa.
Theo ông Bỉnh, đây là cách mà Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đang chi viện TP HCM chống dịch, đề xuất sau kinh nghiệm chống dịch ở Bắc Giang.
"Xét nghiệm càng nhanh càng tốt, mới có thể chặn được sự lây lan, khi mà chu kỳ lây nhiễm của biến chủng Delta (chủng Ấn Độ) ngắn hơn nhiều so với các chủng trước đây", ông Bỉnh nói.
Tại các khu phong tỏa, ngành y tế thành phố xét nghiệm toàn bộ người trong khu phong tỏa và lặp lại sau 5-7 ngày. "Các khu vực này nếu người dân thực hiện giãn cách không nghiêm, giao lưu tiếp xúc nhau, một người dương tính sẽ dễ lây lan ra cả gia đình và xung quanh, do đó cần xét nghiệm quét lại", ông Bỉnh nói.
Việc xét nghiệm tầm soát diện rộng ở những khu dân cư, khu công nghiệp, vùng phong tỏa... được TP HCM áp dụng chủ yếu theo hình thức RT-PCR mẫu gộp 10. Cách này tức là nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm của 10 người vào một nhóm. Nhóm mẫu nào có kết quả dương tính tức là có thể một hay nhiều mẫu trong nhóm dương tính. Khi đó, cả nhóm sẽ lập tức cách ly và tiến hành lấy mẫu làm lại lần thứ hai xác định ca dương tính.
Xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn được áp dụng trong những trường hợp nghi nhiễm, người tiếp xúc diện F1, người có nguy cơ cao..., lấy mẫu riêng từng người.
Chiến lược xét nghiệm điều chỉnh linh hoạt
Trước đó, TP HCM chủ yếu sử dụng xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn. Đầu năm nay, TP HCM áp dụng xét nghiệm mẫu gộp, tầm soát toàn bộ dân ở một số nơi nguy cơ. Hồi tháng 2, chiến lược xét nghiệm thần tốc khi đã khoanh vùng được nguồn lây chính là yếu tố quyết định giúp kiểm soát chuỗi lây nhiễm sân bay Tân Sơn Nhất.
Từ ngày 26/5, TP HCM bắt đầu đợt bùng phát dịch, sau khi phát hiện ổ dịch liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng. Ngày 30/5, thành phố nâng công suất lên 100.000 mẫu một ngày, xét nghiệm trên diện rộng toàn thành phố, ưu tiên những khu vực nguy cơ cao, chủ yếu theo hình thức mẫu gộp nhằm phát hiện nhanh các ca mắc.
Từ 0h ngày 20/6, TP HCM nâng cấp độ chống dịch theo chỉ thị 10, trong bối cảnh số ca mắc thành phố liên tục tăng cao, xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, nhiều ca phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện chưa rõ nguồn lây. Ngành y tế lên kế hoạch tăng cường năng lực xét nghiệm lên 500.000 mẫu một ngày, huy động hơn 3.000 nhân sự, tăng tốc quét nhanh những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ F0 cao.
Theo ông Bỉnh, từ 26/5 đến hết 24/6, các nhân viên y tế đã lấy 1.085.493 mẫu xét nghiệm, tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao... Trong đó, hơn 17.400 người tiếp xúc diện F1, hơn 147.500 F2, hơn 920.400 mẫu gộp 10 của các tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm.
Khả năng xét nghiệm 500.000 mẫu mỗi ngày
Bình Tân - quận ghi nhận nhiều ca Covid-19 cộng động nhất thành phố với hơn 300 trường hợp, chiến dịch lấy mẫu toàn quận để chặn đứng, đẩy lùi dịch bệnh được tăng tốc từ chiều 22/6. Ngành y tế quận triển khai gần 50 điểm lấy mẫu cho 250.000 dân tại các phường để truy vết, khoanh vùng dập dịch.
Gò Vấp - nơi ghi nhận ổ dịch lớn nhất trong đợt dịch này, liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng, từng đạt công suất lấy mẫu hơn 95.000 người trong ngày 30/5. Do đó, đại diện trung tâm y tế quận khẳng định việc lấy 500.000 mẫu toàn thành phố là có thể thực hiện được, nếu chuẩn bị chu đáo, huy động các lực lượng phối hợp.
Song song với tăng năng lực lấy mẫu, thành phố đầu tư máy móc, dự trữ sinh phẩm, kit xét nghiệm, đảm bảo trả mẫu nhanh. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, trong cuộc họp ban chỉ đạo chống dịch thành phố mới đây, cũng cho biết, ngành y tế sẽ sắp xếp, điều phối việc tiếp nhận và thực hiện xét nghiệm nCoV theo nhóm ưu tiên, giữa các cơ sở xét nghiệm phù hợp với công suất, đảm bảo kịp thời có kết quả.
TP HCM nỗ lực đẩy nhanh tốc độ trả kết quả xét nghiệm F1, trong khoảng 6 đến 10 giờ, nhanh hơn so với quy định của Bộ Y tế là trong vòng 24 giờ. Sở Y tế cũng yêu cầu các lực lượng chức năng trong vòng hai giờ kể từ khi xác định ca nghi nhiễm, phải truy cho được tất cả F1, đặc biệt các F1 có tiếp xúc rất gần để lấy mẫu xét nghiệm, chuyển cách ly tập trung.
Kết hợp test nhanh kháng nguyên, RT-PCR mẫu đơn và mẫu gộp
Test nhanh kháng nguyên có ưu điểm thuận tiện khi sử dụng, cho kết quả nhanh trong vòng 30 phút và có thể sử dụng ở ngoài phòng xét nghiệm, nhưng khả năng chính xác thì không bằng phương pháp RT-PCR.
Ngược lại, RT-PCR có độ chính xác rất cao, là kết quả khẳng định, nhưng cần 4 đến 6 giờ mới có kết quả. Phương pháp test nhanh không phải là xét nghiệm khẳng định nhưng nó góp phần hỗ trợ nhanh trong việc giám sát, phát hiện trường hợp nghi ngờ.
Ngày 10/6, khi ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 trong công ty Pouyuen, ngành y tế TP HCM đã triển khai thí điểm test nhanh kháng nguyên cho gần 2.000 công nhân tại công ty này. Một đội lấy mẫu ba người, trong một giờ làm được 50 test nhanh, gần tương đương với tốc độ một đội lấy mẫu RT-PCR.
Các bệnh viện TP HCM hiện vẫn duy trì xét nghiệm tất cả người nhập viện nội trú và người đến khám ngoại trú có yếu tố nguy cơ, triệu chứng bệnh, yếu tố dịch tễ.... Tùy trường hợp, người bệnh có thể được áp dụng test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR. Theo đó, test nhanh dùng để sàng lọc nhanh các ca có yếu tố dịch tễ hoặc triệu chứng hô hấp, bên cạnh phương pháp RT-PCR.
TP HCM cũng đã triển khai cho 24 trung tâm y tế quận, huyện, trong ngành y tế một số bệnh viện đa khoa tuyến quận, khu vực để thực hiện giám sát cho các trường hợp đến khám sàng lọc có triệu chứng. Tuy nhiên, nhưng dù kết quả test là dương tính thì vẫn chưa mang tính khẳng định mà phải xét nghiệm lại bằng RT-PCR.
Ngành y tế cũng đã cấp test nhanh kháng nguyên cho các khu cách ly tập trung, để sử dụng trong trường hợp người đang cách ly có triệu chứng thì làm test nhanh trước. Nếu mẫu dương tính sẽ lên phương án xử lý ngay, trong khi chờ kết quả khẳng định.