Ở nước ta, có lẽ còn khá nhiều người ngạc nhiên và lạ lẫm khi nói đến Ngày Quốc tế Đàn ông, tuy nhiên hiện nay trên thế giới đã có hơn 170 quốc gia lấy ngày 19/11 hằng năm để tôn vinh những cống hiến, đóng góp của giới mày râu đối với gia đình, cộng đồng và xã hội, đặc biệt là vai trò của nam giới trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái.
Ngoài những cống hiến, đóng góp cho xã hội, nam giới với vai trò và cương vị là trụ cột chính, là chỗ dựa vững chắc về tinh thần và chất chất cho gia đình, thì hiện nay, không ít nam giới thể hiện khá tốt vai trò chăm sóc, giáo dục và nuôi dạy con cái.
Một hình ảnh chúng ta thường gặp mỗi buổi sáng là các ông bố thường đưa đón con đến trường, cho con ăn uống trước khi vào lớp. Có những ông bố tranh thủ buori trưa hoặc chiều chiều hết giờ làm lại nhanh chóng đến trường để đón con thay các bà vợ. Ngày nay đã xuất hiện nhiều "ông bố bỉm sữa" thật là ấn tượng và để lại những hình ảnh đẹp trong lòng những bà vợ, bà mẹ và tạo được hiệu ứng tốt đẹp cho xã hội.
Trước đây cha ông ta thường mặc nhiên định danh cho cánh đàn ông với những biệt hiệu như "đàn ông không được khóc nhè" hoặc "con trai không được mặc áo hoa", "con trai không phải rửa bát, quét nhà"... những quan niệm đó tồn tại trong suốt một thời gian dài làm hạn chế đi năng lực và sở trường cũng như không phát huy, tận dụng hết sức mạnh, những việc làm tốt đẹp của "người đàn ông". Vô hình trung, những quan niệm trên sẽ làm tụt những cảm xúc mãnh liệt bên trong của phái mạnh.
Liên Hiệp quốc đã ủng hộ lấy ngày 19/11 hằng năm để thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Đàn ông, đây là dịp để ghi nhận, tôn vinh những thành tựu và đóng góp của đàn ông trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, xây dựng,... đặc biệt là những đóng góp tích cực trong hôn nhân, nuôi dạy và chăm sóc con cái để xây dựng gia đình hiện đại.
Do vậy, không có lý do gì mà chúng ta không dành những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, những món quà ý nghĩa, kể cả việc các cơ quan, đơn vị có thể trích tiền để tặng cho những người đàn ông nhằm tôn vinh sức mạnh của những người đàn ông trong xã hội hiện đại.
Phú Dũng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.