Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy tác động của chất xơ trong chế độ ăn với nguy cơ của bệnh tim mạch. Chế độ ăn giàu chất xơ cũng liên quan tới chỉ số BMI và hàm lượng insulin trong máu. Ngoài ra, nó cũng giúp làm tăng sự nhạy cảm của insulin ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, giảm tryglycerid và góp phần kiểm soát cân nặng.
Vì thế bạn cần tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu chất xơ. Rau quả là nguồn cung cấp chất xơ quan trọng. Trong rau, cellulose có khả năng chống táo bón, phòng ung thư đại trực tràng, đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể phòng cholesterol máu cao.
Các chuyên gia khuyến nghị mỗi người nên tiêu thụ tối thiểu 300 g rau và 100 g quả chín mỗi ngày. Những người nên ăn nhiều rau:
Người cao tuổi
Người có tuổi cần chú ý ăn nhiều rau quả để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón. Đặc biệt, rau quả cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng hết sức cần thiết cho người cao tuổi là các vitamin và các yếu tố vi lượng: K, MG, Zn, Cu, Fe, Se... và các chất chống ôxy hóa. Các chất xơ có trong rau quả còn có tác dụng như cái chổi quét cholesterol thừa đẩy ra theo phân, giúp cơ thể đề phòng xơ vữa động mạch.
Người bị béo phì, đái tháo đường
Ăn nhiều rau quả làm tăng cảm giác no nhưng năng lượng bữa ăn không tăng, lượng vitamin và khoáng chất vẫn được cung cấp đủ. Điều này góp phần làm giảm cân có hiệu quả ở người béo và duy trì mức đường huyết bình thường ở người bệnh đái tháo đường.
Người bị tăng huyết áp và cholesterol máu cao
Nên ăn nhiều rau quả (khoảng 500 g mỗi ngày) để bổ sung nhiều kali, góp phần làm hạ huyết áp. Mặt khác, người bị tăng huyết áp thường hay kèm bệnh tăng cholesterol máu, nên việc ăn nhiều rau quả, sẽ giúp thải cholesterol trong lòng ruột ra ngoài, góp phần làm hạ cholesterol máu.
Hướng dẫn rửa rau quả sạch
Hà An