BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết như trên, trong bối cảnh 4 tháng đầu năm 8/20 tỉnh thành phía Nam ghi nhận 12 ca não mô cầu, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm ngoái, một ca tử vong, cảnh báo thời gian tới có thể xuất hiện thêm ca nhiễm mới khi bước vào cao điểm nắng nóng.
Vi khuẩn não mô cầu gây ra nhiều bệnh như viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết, viêm khớp, viêm màng trong tim... Hai bệnh thường gặp và nguy hiểm nhất là viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết. Nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong của hai bệnh này từ 5% đến 15%.
"Não mô cầu có tỷ lệ tử vong rất cao, đồng thời người sống sót có thể chịu di chứng nặng nề như tổn thương não, tổn thương các cơ quan nội tạng", bác sĩ Chính nói.

Các ca mắc viêm màng não do não mô cầu điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào tháng 6/2024. Ảnh: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Giải thích về cơ chế gây bệnh của não mô cầu, bác sĩ Chính cho biết vi khuẩn được bao bọc bởi lớp vỏ có chứa độc tố gây bệnh. Tốc độ sản xuất độc tố cao gấp 100 lần, có thể gấp 1.000 lần so với các loại vi khuẩn khác. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn mang theo độc tố đi vào máu, di chuyển đến tim, ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu và tạo áp lực lên mạch máu khắp cơ thể. Cơ thể xuất hiện tình trạng chảy máu, nội tạng bị tổn thương, phá hủy.
Ví dụ thể bệnh viêm màng não kết hợp nhiễm trùng huyết, ở 8 giờ đầu, người mắc sẽ sốt, cáu gắt, buồn nôn, chán ăn. 8 giờ tiếp theo, người mắc xuất hiện tử ban tập trung vùng bẹn, đùi, kèm cứng cổ, sợ ánh sáng. Các vết tử ban sau đó lan khắp cơ thể, gây viêm màng não kèm nhiễm trùng huyết, tăng nhanh quá trình hoại tử. Từ 16 đến 24 giờ, bệnh nhân rơi vào hôn mê, co giật, mê sảng, mất ý thức và tử vong.
Vi khuẩn não mô cầu có thể trốn tránh hệ miễn dịch, ngăn cản kháng thể, bổ thể và thực bào tấn công. Chúng còn ngụy trang bằng cách thay đổi kháng nguyên và bắt chước phân tử của cơ thể người. Nhờ đó, vi khuẩn có thể nhân lên nhanh chóng, lan rộng và gây ra viêm màng não mủ hay nhiễm trùng huyết. Biểu hiện bệnh không đặc trưng, như: đau họng, sổ mũi... giống cảm lạnh, cúm, nhiễm siêu vi, dẫn tới khó phát hiện và chẩn đoán đúng.
Bên cạnh đó, vi khuẩn não mô cầu có thể lây từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp, hoặc sinh sống trong vùng hầu họng, mũi gây ra tình trạng "người lành mang trùng". Do đó, bác sĩ Chính khuyến cáo người dân không chủ quan với bệnh do não mô cầu.

Trẻ tiêm vaccine phòng não mô cầu tại VNVC Nguyễn Duy Trinh 2, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Diệu Thuần
Theo bác sĩ Chính, biện pháp phòng bệnh hiệu quả là tiêm chủng vaccine ngừa não mô cầu. Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng não mô cầu, gồm mũi thế hệ mới phòng não mô cầu nhóm B (Bexsero - Italy) tiêm từ 2 tháng đến 50 tuổi, loại phòng não mô cầu nhóm BC (VA-Mengoc-BC - Cuba) tiêm từ 6 tháng đến 45 tuổi, mũi phòng não mô cầu nhóm ACYW-135 (Menactra - Mỹ) tiêm từ 9 tháng đến 55 tuổi.
Các vaccine được cung ứng trong chương trình tiêm chủng dịch vụ, không có miễn dịch chéo với nhau. Mỗi người nên tiêm phối hợp các loại vaccine để phòng 5 nhóm huyết thanh của não mô cầu gồm A, B, C, Y, W-135.
Ngoài vaccine, người dân cần phòng bệnh thông qua rửa tay bằng xà phòng; súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn. Cách này sẽ giảm tỷ lệ mầm bệnh lây nhiễm vào cơ thể.
Các biện pháp nâng cao thể trạng nói chung cũng được khuyến cáo, bao gồm ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, thường xuyên vận động. Khi thể trạng được nâng cao, sức đề kháng tăng lên, ngăn chặn vi khuẩn não mô cầu nhân cơ hội xâm nhập, gây bệnh.
Nơi làm việc, lớp học, trường học, nhà trẻ cũng cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, giữ không gian thông thoáng. Khi hắt hơi, ho, mọi người lấy khăn che miệng hoặc đeo khẩu trang. Khi có các biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, người lớn, trẻ nhỏ cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Linh San