Theo nhà nghiên cứu lịch sử Abigail Carroll, những bữa ăn ngày nay xuất phát từ ảnh hưởng cấu trúc văn hóa của người di cư châu Âu tác động đến người Mỹ bản địa. Thói quen ăn ba bữa một ngày bắt nguồn từ sự áp đặt của người di cư Châu Âu khi họ đến Mỹ định cư. Những người bản địa Mỹ thường ăn bất cứ khi nào họ đói chứ không phải lúc đồng hồ chỉ giờ sáng, trưa hay tối. Sau cuộc cách mạng công nghiệp, con người bắt đầu biến bữa giữa ngày thành bữa trưa chính và bữa sau giờ làm thành bữa tối, rồi dành chỗ cho bữa ăn sau giấc ngủ vào buổi sáng.
Trong cuốn sách mới của mình tên là "Three Squares: The Invention of the American Meal", bà Carroll nói rằng người châu Âu định cư trên đất Mỹ ăn vào những giờ quy củ. Họ xem điều này là văn minh hơn người bản địa - những người ăn uống theo ý thích, dùng thực phẩm theo mùa và thi thoảng còn nhịn đói.
Đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy việc ăn uống đúng giờ, đủ bữa đảm bảo cho sức khỏe. Chẳng hạn, theo bà Carroll, bữa sáng được coi là bữa ăn quan trọng trong ngày có thể là hệ quả từ các chiến dịch quảng cáo của các công ty ngũ cốc và nước trái cây.
Thực tế, một nghiên cứu năm 2014 do Đại học Bath (Anh) cho thấy, một người dù ăn sáng hay không cũng chẳng ảnh hưởng đến tổng lượng calo họ tiêu thụ trong ngày. Những người ăn sáng nạp nhiều calo hơn người bỏ bữa nhưng lại loại bỏ lượng calo thừa vào cuối ngày, nghĩa là tổng lượng tiêu thụ calo như nhau.
Nghiên cứu mới cho thấy bỏ bữa và nhịn đói có thể thực sự có lợi cho sức khỏe, giúp giảm cân và củng cố hệ thống miễn dịch. Nghiên cứu tương tự của Đại học Alabama (Anh) cho thấy ăn sáng hay không chẳng tạo sự khác biệt nào đến người ăn kiêng đang cố gắng giảm cân.
Thử nghiệm trên chuột cho thấy, những con chuột được nuôi bằng chế độ ăn giàu chất béo, với các bữa cách nhau tầm 8 tiếng, chẳng hạn từ 9h sáng tới 17h chiều sẽ khỏe mạnh và mảnh mai hơn so với những con chuột khác ăn cùng lượng thực phẩm như vậy nhưng các bữa ăn cách nhau ngắn hơn.
Một nghiên cứu đăng tải năm 2010 trên tạp chí dinh dưỡng của Anh cho thấy, một người dù ăn ba bữa lớn hay 6 bữa nhỏ hơn một ngày thì cũng không tạo sự khác biệt về tổng lượng calo họ nạp vào. Các nhà nghiên cứu thấy không có sự khác biệt giữa cân nặng hay nội tiết giữa hai nhóm. Năm ngoái, một nghiên cứu của Đại học Warwick cũng cho kết quả, không có sự khác biệt giữa những phụ nữ ăn hai bữa mỗi ngày và nhóm ăn năm bữa một ngày.
Nghiên cứu mới cho thấy, việc nhịn ăn có thể thực sự tốt cho sức khỏe. Phe ủng hộ chế độ ăn theo tỷ lệ 5:2, tức giới hạn thực phẩm chỉ 500 calo vào hai ngày trong một tuần, nói rằng việc hạn chế thức ăn này giúp giảm cân, tăng tuổi thọ và làm huyết áp thấp hơn.
Một nghiên cứu cho thấy nhịn đói hai ngày hay hơn nữa có thể giúp khởi động lại hệ thống miễn dịch, đặc biệt nếu nó đã bị hư hỏng do tuổi tác hay điều trị ung thư.
Valter Longo, một chuyên gia về tuổi thọ tại Đại học Southern California cho biết, khi bạn đói ngấu, cơ thể sẽ cố gắng tiết kiệm năng lượng. Một trong những việc nó có thể làm để tiết kiệm năng lượng là tái chế nhiều tế bào miễn dịch không cần thiết nữa, đặc biệt là những tế bào đã bị phá hủy.
Nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện ra rằng, nhịn đói 2-4 ngày mỗi 6 tháng buộc cơ thể phải ở hình thức sinh tồn, sử dụng nguồn mỡ và đường dự trữ, phá bỏ những tế bào già cỗi. Cơ thể sau đó sẽ gửi một tín hiệu báo các tế bào gốc phải tái sinh và xây dựng lại toàn bộ hệ thống cơ thể.
Vương Linh (Theo Medicaldaily.com)