Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thống kê từ 15 nghiên cứu trên thế giới ghi nhận 44% người bị đau đầu, 11% mất ngủ sau khi khỏi Covid-19. Sau 6 tháng, các triệu chứng này vẫn tiếp diễn với tần suất khá cao, với khoảng 50% trường hợp kéo dài.
Theo bác sĩ Đức, triệu chứng đau đầu, mất ngủ, chóng mặt... hậu Covid có thể là di chứng của quá trình viêm thần kinh. Tổn thương viêm có thể tạo ra nhiều gốc tự do gây hại, theo thời gian làm thần kinh nhanh thoái hóa. Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra nCoV xâm nhập trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương thông qua thụ thể ACE-2, trong khi đó ACE-2 biểu hiện tại các vùng não như vỏ não vận động, hồi đai sau, hành khứu giác và một số vị trí khác.
nCoV cũng có thể xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương một cách gián tiếp do tình trạng thiếu oxy và rối loạn chuyển hóa cũng như mất nước và viêm hệ thống. Ngoài ra, cơn bão cytokine có thể gây đau nửa đầu. Một khảo sát được công bố chỉ ra rằng chứng đau nửa đầu là loại đau đầu hậu Covid-19 thường gặp nhất.
Cùng với đó, sức khỏe chưa hoàn toàn phục hồi sau mắc Covid-19, lo lắng, áp lực vô hình do đại dịch gây ra như thất nghiệp, giảm thu nhập, cuộc sống bình thường mới còn nhiều hạn chế, nỗi đau mất đi người thân... Căng thẳng, áp lực kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều gốc tự do tấn công não bộ, dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, mất tập trung, trầm cảm. Những vấn đề tâm thần này kéo dài lại là nguyên nhân khiến gốc tự do tăng sinh nhiều hơn, làm cơ thể suy nhược nhanh và mức độ căng thẳng nặng hơn.
Bác sĩ Đức khuyên để hạn chế các di chứng thần kinh hậu Covid-19, cần kết hợp các phương pháp như tạo thói quen sống tích cực, giải tỏa căng thẳng, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, vận động điều độ và đặc biệt, bổ sung dưỡng chất chống gốc tự do để tăng đề kháng cho não bộ.
Theo đó, sau khi khỏi Covid-19, cần bắt đầu thiết lập lối sống lành mạnh. Đi ngủ, thức dậy cố định một thời điểm (ví dụ luôn đi ngủ trước 23h và thức dậy lúc 6h mỗi ngày); ăn thực phẩm tốt cho não bộ (cá hồi, quả bơ, khoai lang, dưa hấu, cải bó xôi, sữa chua). Không lạm dụng thức uống chứa caffeine và cồn, tập thể dục đều đặn mỗi ngày (ít nhất 30 phút mỗi ngày).
Thực hiện một số bài tập để não bộ được thư giãn và hình thành các kết nối thần kinh mới, như nhắm mắt và nhớ về các khoảnh khắc thành công, hạnh phúc trong đời; thả lỏng cơ thể hoàn toàn trong 10 phút; tập thiền 20-30 phút/ngày... Bên cạnh đó, người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để giải tỏa căng thẳng, lấy lại nguồn năng lượng tích cực cho não bộ thông qua các hoạt động hữu ích như: đọc sách, tản bộ hoặc picnic, cắm trại... Nếu cảm thấy bản thân stress quá mức, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý.
Quan trọng hơn, theo bác sĩ Đức, để có thể thoát cơn đau đầu, mất ngủ dai dẳng, cần chiến lược điều trị tối ưu, kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như dùng thuốc, liệu pháp nhận thức hành vi, nội khoa, tâm thần kinh... Do đó, ngoài việc chủ động chăm sóc và phục hồi sức khỏe não bộ tại nhà, nếu bạn cảm thấy đau đầu, mất ngủ đeo đẳng nên đến gặp bác sĩ.
Song song với lối sống khoa học, người bệnh nên bổ sung dưỡng chất có khả năng chống gốc tự do, nuôi dưỡng mạch máu và tăng cường kết nối thần kinh, như Blueberry, Ginkgo Biloba, để cải thiện tình trạng mất ngủ, giảm đau đầu, tăng khả năng ghi nhớ.
Hường Nguyễn