Tôi vừa đọc thông tin với nội dung ban đại diện cho mẹ học sinh vào hội đồng chọn sách giáo khoa. Tôi thấy bất ngờ và có lẽ nhiều người cũng bất ngờ.
Tôi cũng không hiểu sao lại cho ban đại diện cha mẹ học sinh vào hội đồng chọn sách giáo khoa. Ngay cả những người học rộng hiểu nhiều, bằng cấp cao kia mà lĩnh vực của họ không liên quan đến giáo dục thì sao họ biết chọn sách nào phù hợp cho con em mình?
Chưa kể bạn đại diện cha mẹ học sinh có nhiều người. Mỗi người chọn một cuốn của bộ sách khác nhau. Vậy lúc đó người có con học lớp A chọn bộ 1, người có con học lớp B chọn bộ 2...thì sau đó sẽ thống nhất chọn bộ nào?
Cho ban đại diện cha mẹ học sinh vào hội đồng chọn sách giáo khoa không khác nào bảo giáo viên đi chọn thuốc chữa bệnh, còn bác sĩ thì đi chọn giống lúa. Sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và cơ quan thẩm quyền của nhà nước phê duyệt, đã được phát hành. Nghĩa là tất cả các bộ sách đã đạt tiêu chuẩn lưu hành vậy thì tại sao lại cần người không có chuyên môn lựa chọn sách nữa.
Theo tôi, việc chọn sách giáo khoa chỉ có thể là giáo viên chứ không phải bất kỳ ai khác, ngay cả cán bộ sở giáo dục cũng không nên trong hội đồng chọn sách giáo khoa. Giáo viên là người nắm rõ nhất tình hình học sinh của mình, là người trực tiếp giảng dạy và sử dụng sách giáo khoa. Cho nên chọn sách nào phù hợp với học sinh và phương pháp giảng dạy của mình thì chỉ có thể là giáo viên.
Là người đang dạy hai cuốn sách của hai bộ sách giáo khoa khác nhau. Tôi càng nhận thấy việc chọn sách giáo khoa phải là giáo viên lựa chọn. Một cuốn sách do chính giáo viên chúng tôi lựa chọn nên việc dạy học sinh, việc áp dụng phương pháp, phân chia thời lượng cũng đơn giản, thoải mái và hiệu quả hơn.
Còn cuốn sách còn lại thì 10 giáo viên 9 người chê nhưng do hội đồng chọn sách lựa chọn nên phải dạy theo. Mặc dù sách giáo khoa chỉ là tài liệu, tư liệu giảng dạy, còn dạy thế nào là do giáo viên. Nhưng khi dạy giáo viên vẫn phải bám sát sách giáo khoa để học sinh tiện theo dõi, nghiên cứu tài liệu.
Chính vì thế sách giáo khoa cũng ảnh hưởng nhiều đến quá trình giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Cùng một nội dung nhưng có cuốn viết dài dòng, trình bày thiếu khoa học, có cuốn lại viết ngắn gọn, trình bày khoa học, màu sắc dễ nhìn, bắt mắt.
Vì thế việc chọn sách giáo khoa hãy giao cho giáo viên và không có bất kì tác động nào khác đến quá trình chọn sách giáo khoa. Đó là cách thực hiện tốt nhất.
Thanh Y
Thông tư về lựa chọn sách giáo khoa trong các trường phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cuối năm 2023, có hiệu lực từ ngày 12/2 nêu rõ hội đồng lựa chọn sách của các trường do hiệu trưởng thành lập. Mỗi trường là một hội đồng. Riêng trường phổ thông có nhiều cấp học thì mỗi cấp một hội đồng. Hội đồng chọn sách giáo khoa do trường thành lập gồm: hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban phụ huynh. Số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu 11 người. Các trường có quy mô dưới 10 lớp thì số lượng thành viên hội đồng tối thiểu 5 người. Bộ quy định người đã tham gia biên soạn, xuất bản, tin, phát hành sách giáo khoa và người thân của những người này; người làm ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được tham gia hội đồng. Về quy trình, toàn bộ giáo viên của từng môn sẽ tham gia chọn sách môn học đó. Các thầy cô nghiên cứu các đầu sách, viết phiếu nhận xét, đánh giá. |
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.