Chào bác sĩ. Tôi hiện sống và làm việc tại Bình Dương. Con trai tôi 10 tuổi, cân nặng 36 kg, mọi thứ bề ngoài ổn định. Ngày 27/10/2016 bé nói đau bụng, gia đình chúng tôi đưa cháu tới phòng khám đa khoa gần nhà khám và siêu âm. Bác sĩ nói cháu bị gan nhiễm mỡ cấp độ một.
Ngày 1/11/2016 tôi đưa cháu đến Bệnh viện Nhi đồng 2 ở TP HCM khám lại, kết quả hoàn toàn bình thường. Xin hỏi 2 kết quả như vậy có gì khác nhau và có sự sai lệch nghiêm trọng nhiều không. Xin cám ơn. (khanhtran291106).
Trả lời:
Chào chị,
Trước hết tôi xin giải thích sơ qua về gan nhiễm mỡ. Tình trạng này còn gọi là gan thoái hóa mỡ, xảy ra khi lượng mỡ tích tụ trong gan nhiều hơn 5% trọng lượng của gan.
Gan nhiễm mỡ ở trẻ em đa số là do ăn uống như ăn nhiều chất béo, ngọt, tinh bột, thức ăn chế biến sẵn... Một số ít là do di truyền hay các bệnh chuyển hóa khác.
Muốn chẩn đoán chắc chắn gan nhiễm mỡ cần phải sinh thiết gan để làm giải phẫu bệnh. Tuy nhiên, qua siêu âm bụng thì những hình ảnh gián tiếp trên siêu âm cũng có thể chẩn đoán được gan nhiễm mỡ với 3 mức độ: một (nhẹ), hai (trung bình), ba (nặng).
Theo mô tả thì con chị hiện tại chưa rõ ràng là bị gan nhiễm mỡ vì những lý do sau:
Thứ nhất, bé 10 tuổi và cân nặng 36 kg, nghĩa là chưa đến nỗi béo phì. Tiếc là chị không cho biết chiều cao nên chưa tính được chỉ số BMI của cơ thể. Nếu BMI hơn 30 thì mới chẩn đoán là béo phì. Chị có thể tham khảo công thức tính BMI tại đây.
Thứ hai, gan nhiễm mỡ thường không gây đau bụng nên nếu con chị đau bụng thì phải đưa đến bác sĩ chuyên về tiêu hóa khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị sớm.
Thứ ba, kết quả siêu âm trước đây mới chỉ nghi gan nhiễm mỡ độ một, trong khi lần siêu âm sau lại là bình thường nên chứng tỏ rằng hình ảnh gián tiếp của gan nhiễm mỡ chưa rõ ràng trên siêu âm.
Kết quả siêu âm 2 lần trước khác nhau như thế có thể do độ phân giải của máy. Qua những gì chị mô tả, theo tôi, tình trạng gan nhiễm mỡ của con chị chưa rõ, trong trường hợp nếu có cũng chỉ ở mức độ nhẹ thôi. Nếu chị tính chỉ số BMI của bé trên 25 thì nên hướng dẫn cho cháu chế độ ăn lành mạnh, hạn chế đồ ngọt, béo và tập thể dục thường xuyên. Trường hợp bé còn đau bụng, chị nên đưa đến đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tiêu hóa để được chẩn đoán rõ và điều trị sớm.
Thân ái.
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Duy Long
Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM