Tôi từng chứng kiến vài người sống hưởng thụ, vì không có tài sản lớn nên đành dựa vào người thân. Con cái nếu không có vốn khởi nghiệp thì cũng đành làm thuê. Nên dù ai nói gì thì nói, tôi vẫn cứ giữ một quan niệm sống của mình: chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm, để dành nhà cửa cho con. Tôi tin con cái mình sau này cũng sẽ lây cách sống đó của cha mẹ. Chuyện phá gia chi tử chỉ là hy hữu. Tôi làm cha mẹ, cứ hết lòng vì con, cũng giống như cha mẹ tôi ngày trước đã hết lòng chăm lo cho mình vậy.
Tôi có người bạn cùng nghề. Năng lực của chúng tôi ngang nhau. Bạn có phần còn nhỉnh hơn tôi một chút. Nhưng điều kiện lớn lên của chúng tôi rất khác nhau. Tôi được ba mẹ chăm chút kỹ lưỡng, tạo điều kiện học hành hết mức và cho tài sản làm vốn từ sớm. Trong khi đó, bạn phải phụ việc nhà từ sáu tuổi và lên tám tuổi đã phải lao động như người lớn. Tới cấp ba, bạn phải làm lụng suốt cả mùa hè để vào năm có tiền đi học. Bạn bị gia đình ngăn cản thi đại học chỉ vì học phí cao, dè bỉu "trèo cao thì ngã đau". Thế nên, cả thời sinh viên, bạn phải tự kiếm sống để duy trì việc học.
>> Cả đời tiết kiệm mua nhà cho con
Khi ra trường, đi làm, tôi có thể chọn lựa công việc, khách hàng. Tôi có năng lực, rất kính nghiệp, đối tác cũng cần nhưng không thể chèn ép được tôi. Vì tôi sẵn sàng bỏ ngang khi bị đối xử tệ. Còn bạn thì không. Bạn giỏi, người ta cần bạn, nhưng sức bạn bỏ ra xứng đáng 10 đồng thì bị chèn ép, chỉ được trả năm đồng. Nhưng bạn cũng đành phải chấp nhận, vì bạn cần tiền. Đôi lúc, vì muốn lấy được tiền lương sớm, bạn phải chấp nhận "ba đồng cũng được".
Mỗi khi ngồi tâm sự, bạn hay đùa rằng sau lưng tôi là núi Thái Sơn nên thích thì lùi, còn sau lưng bạn là vực thẳm, nên chỉ có thể bước lên phía trước. Dù gai góc cũng phải bước, không dám lùi, sợ rơi xuống vực. Thực ra, bạn rất giỏi, nên nếu có trong tay dù chỉ một phần 30 số tài sản thừa kế của tôi thì cũng dư sức "vút bay". Nhưng tiếc là, bạn không có gì, nên mãi mãi trong cảnh "cái khó bó cái khôn".
Bản thân tôi là một người được cha mẹ chăm chút kỹ lưỡng, cho tài sản khá khẩm, nhưng tôi không hề yếu đuối, ỷ lại. Ngược lại, tài sản của cha mẹ là điểm tựa vững chắc, để khi ra đời tôi tự tin, không sợ hãi, không để ai bắt nạt. Và tôi dựa vào tài sản đó để phát triển lên thêm, tự thân kiếm được tiền từ chính sức của mình.
Tôi có chí tiến thủ, chịu học hỏi, khiêm tốn, cầu thị trong công việc, nhưng nếu sếp không tốt, chèn ép vô lý, tôi lập tức nghe được câu nói bất hủ của ba: "Mệt thì nghỉ đi con, về đây ba nuôi. Khi nào vui đi làm tiếp". Thế là tôi nghỉ thật. Ba thương tôi như vậy, nên tôi rất coi trọng bản thân, không bao giờ để ai ăn hiếp mình.
Khi tôi đứng ra tự làm, hợp đồng vừa ký xong, tiền thế chân vừa đóng một khoản to (người khác phải đi vay mượn còn tôi có sẵn) nhưng đối tác gây khó dễ, dồn ép quá nên tôi ngay lập tức ra đóng quầy, kêu nhân viên :"Dọn tiệm về nghỉ, sáng mai phát công văn ngừng hợp đồng". Tôi không bao giờ dùng tiền đè người khác, nhưng tiền ba mẹ tôi cho luôn là lá chắn để tôi không cho phép người khác đè mình.
Tôi tin rằng, một đứa trẻ khi biết có điểm tựa từ cha mẹ, lúc ra đời nó sẽ rất tự tin, tâm trạng thoải mái khi đứng trước những quyết định lớn lao. Đừng nghĩ bắt con tự lực là nó sẽ cố gắng. Tay trắng sẽ khiến con người ta hoang mang, mệt mỏi. Chẳng qua vì đời mình không có gì nên phải ráng chịu mà thôi. Đến đời con, tôi có gì là cứ nâng đỡ chúng tận lực. Con cái người khác, ngồi trên đống vàng còn chưa thấy gì., con mình chỉ có căn nhà với chút vốn thôi thì có gì mà phải nghĩ.
* Bạn sẽ dành tài sản cho con làm vốn hay để chúng tay trắng vào đời?
Bài viết gửi về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
- Tôi không cần tài sản thừa kế bố mẹ cả đời tích lũy
- Gia đình tôi yên ổn khi cha mẹ chia đều thừa kế
- 'Tôi như bát nước đổ đi khi cha mẹ cho con trai thừa kế hết tài sản'
- Tôi nhất quyết chia thừa kế cho con trai nhiều hơn con gái
- Cô tôi giành đất thừa kế đến cùng từ mẹ và các em trai
- 'Người bản lĩnh không trông chờ thừa kế'