Bộ Tài chính Mỹ ngày 26/10 thông báo phong tỏa mọi tài sản ở nước này và hình sự hóa các giao dịch có liên quan Ilan Shor, doanh nhân Moldova gốc Israel.
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Shor, sinh năm 1987, thông đồng với "các tài phiệt tham nhũng và tổ chức trụ sở ở Moskva để gây bất ổn chính trị tại Moldova, tìm cách làm suy yếu nỗ lực của Chisinau nhằm có tư cách ứng viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU)".
Nga chưa bình luận về cáo buộc này.
![Ilan Shor đến gặp người ủng hộ tại một sự kiện ở thành phố Comrat, Moldova, ngày 15/2/2019. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/28/-1942-1666953270.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=s-6xgRmN3fIG34AJijG7VQ)
Ilan Shor (phía trước) đến gặp người ủng hộ tại một sự kiện ở thành phố Comrat, Moldova, ngày 15/2/2019. Ảnh: AFP.
Shor năm 2017 bị giới chức Moldova kết án 7,5 năm tù vì rửa tiền, lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm, liên quan cáo buộc gian lận để đánh cắp 1 tỷ USD từ các ngân hàng năm 2014. Tài phiệt bác bỏ cáo buộc, nói rằng đây là động thái mang động cơ chính trị.
Trong thời gian chờ kháng cáo, Shor tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2019 và giành được ghế nghị sĩ, làm dấy lên phẫn nộ. Vài tháng sau đó, Shor rời Moldova. Ông này nhiều khả năng đang sống lưu vong ở Israel và Chisinau đã phát lệnh truy nã. Mỹ đã thông báo cho giới chức Israel trước khi áp lệnh trừng phạt Shor.
Tổng thống Moldova Maia Sandu nói Shor đang tìm cách gây bất ổn và cản trở Chisinau gia nhập EU. "Tôi cảm ơn tất cả các bên tham gia trừng phạt các quan chức tham nhũng", bà Sandu viết trên Facebook.
Bộ Tài chính Mỹ còn áp lệnh trừng phạt với một nhà tài phiệt Moldova khác là Vladimir Plahotniuc, đã rời khỏi Moldova năm 2020, sau khi bị cáo buộc hối lộ.
"Cáo buộc cho thấy Plahotniuc từ lâu đã muốn dùng tài sản và ảnh hưởng chính trị của mình để làm suy yếu các đối thủ chính trị cùng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Moldova", theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Cơ quan này đã từ chối cấp thị thực cho Plahotniuc cùng các thành viên gia đình ông.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ còn trừng phạt 7 cá nhân, trong đó có cả quan chức Nga, và 12 thực thể khác với cáo buộc liên quan các nỗ lực của Nga nhằm can thiệp chính trị Moldova.
![Lãnh đạo đảng Dân chủ Moldova Vladimir Plahotniuc phát biểu tại Chisinau ngày 9/6/2019. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/28/-6813-1666957324.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Fq1WwQdd1MjdY8IB6cyxkw)
Lãnh đạo đảng Dân chủ Moldova Vladimir Plahotniuc phát biểu tại Chisinau ngày 9/6/2019. Ảnh: Reuters.
Moldova có dân số gần 2,6 triệu người, giáp với Romania về phía tây và Ukraine ở phía bắc, đông và nam. Sau khi chiến sự Ukraine bùng phát hồi tháng hai, Moldova nộp đơn xin gia nhập EU vào tháng 3. EU trao cho Moldova tư cách ứng viên vào tháng 6, nhưng quá trình đàm phán có thể kéo dài nhiều năm hay thậm chí hàng thập kỷ để nước này có thể gia nhập liên minh.
Động thái của Mỹ xuất hiện trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang tìm cách tăng cường ủng hộ Moldova, lo ngại cuộc xung đột ở quốc gia láng giềng Ukraine có thể lan sang nước này. Nga hiện có lực lượng hiện diện ở Transnistria, vùng ly khai ở Moldova, để gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực.
Transnistria là vùng đất đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova - Ukraine, có dân số hơn 500.000 người. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khu vực này tuyên bố ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992.
Chính quyền ly khai tại Transnistria chỉ được công nhận bởi ba vùng ly khai khác gồm Abkhazia, Nam Ossetia và Artsakh. Quân đội Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình với quân số không quá 1.500 người tại Transnistria từ năm 1993.
![Vị trí vùng ly khai Transnistria ở Moldova. Đồ họa: TRT World.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/28/-3493-1666953270.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2Ax8yQA4NHuSxMYcF9W3ow)
Vị trí vùng ly khai Transnistria ở Moldova. Đồ họa: TRT World.
Như Tâm (Theo Times of Israel, Reuters, AFP)