"Có hôm tôi chạy từ Kiên Giang về TP HCM, khi đang đi trên cao tốc Trung Lương với tốc độ 80 km/h, bất ngờ bị một xe 7 chỗ từ làn 2 tạt đầu. Hai ôtô chỉ cách nhau gang tấc khiến những người trên xe một phen khiếp vía", anh Thanh Hiền, 29 tuổi nói.
Hơn 10 năm lái xe, thường xuyên chạy trên tuyến cao tốc nối TP HCM với các tỉnh miền Tây, anh Hiền nói đã quá ngán ngẩm với tình trạng "cao tốc hóa đường làng". Do lượng xe trên cao tốc đông, các ôtô thường xuyên chạy theo kiểu "điền vào chỗ trống"; cộng với tình trạng xe chạy vào làn khẩn cấp, nên khi xảy ra sự cố sẽ bị ùn tắc kéo dài.
Tài xế Hiền nói 10 hôm trước, sau vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc TP HCM - Trung Lương, anh mất hơn hai giờ, nhích từng chút để đi hết một đoạn đường 4 km. Sau xe anh, 3-4 ôtô cứu thương đang chuyển bệnh cũng bị mắc kẹt giữa vòng vây. "Vừa thoát khỏi khu vực kẹt xe khoảng 5 phút thì tiếp tục nghe radio báo có vụ va chạm giữa hai ôtô con cũng trên tuyến này", anh Hiền kể.
Cao tốc TP HCM - Trung Lương dài gần 62 km, 4 làn xe, khai thác từ năm 2010, là cao tốc đầu tiên ở phía Nam nối TP HCM với tỉnh Long An, Tiền Giang; vận tốc tối đa 100 km/h. Ba năm trước, tuyến đường dừng thu phí, lượng ôtô qua cao tốc tăng 35%, bình quân mỗi ngày hơn 51.000, dẫn đến quá tải. Đây được cho là một trong những lý do khiến tai nạn liên tục xảy ra trên cung đường này.
Khoảng 16h hàng ngày, cao tốc TP HCM - Trung Lương đoạn qua huyện Châu Thành (Tiền Giang) bắt đầu đông, các loại ôtô nối đuôi nhau với khoảng cách rất gần. Dù tốc độ tối thiểu trên cao tốc quy định 60 km/h cùng biển hướng dẫn xe chạy chậm vào làn số 2, nhưng nhiều xe container, ôtô tải vẫn đi với tốc độ rất chậm ở làn 1 khiến những ôtô phía sau "bất lực", phải cố chuyển làn.
Mới đây nhất, rạng sáng 14/11, tài xế và phụ xe tải tử vong trong cabin bẹp dúm khi tông vào đuôi một ôtô tải đang dừng sát dải phân cách ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ngay trước đó, hai vụ va chạm liên hoàn trên cao tốc này cũng khiến 7 người bị thương, 7 ôtô bị hư hỏng, ùn tắc kéo dài. Ba vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong vòng 9 giờ.
Theo thống kê của Khu Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ), đơn vị quản lý cao tốc TP HCM - Trung Lương, trong 11 tháng qua trên tuyến đã xảy ra 17 vụ ùn tắc, 71 vụ tai nạn làm ba người chết, 19 người bị thương. Tức trung bình cứ khoảng hơn 4 ngày lại có một vụ tai nạn trên con đường này.
Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Khu quản lý đường bộ 4, cho biết ngoài áp lực giao thông gia tăng, tình trạng xe tải dàn hàng ngang đi dưới tốc độ tối thiểu, ôtô vượt ẩu, không giữ khoảng cách an toàn, đi vào làn dừng khẩn cấp, xe máy vào cao tốc thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, nhiều đoạn người dân phá rào cao tốc qua các cánh đồng kế bên hoặc đón xe khách trên tuyến, dễ xảy ra tai nạn.
Theo ông Dũng, thời gian qua Khu quản lý đường bộ 4 thường xuyên yêu cầu tăng cường kiểm tra trên tuyến, đồng thời phối hợp CSGT xử lý tình trạng xe máy đi vào cao tốc; ôtô đỗ trái phép ở làn khẩn cấp và khu vực trạm dừng nghỉ, nhất là ban đêm. Đơn vị đã triển khai nhiều đợt sửa chữa khắc phục các đoạn hư hỏng, xuống cấp, giúp xe chạy an toàn. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên không thể khắc phục triệt để, trong khi các biện pháp này cũng chỉ tạm thời.
Về lâu dài, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị các bên liên quan nghiên cứu phương án mở rộng như sử dụng vốn ngân sách, hoặc theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhằm sớm thực hiện dự án này
Mới đây Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã trình UBND TP HCM nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương lên 8 làn xe và 2 làn khẩn cấp, khởi công năm 2025. Theo cơ quan này, việc mở rộng tuyến cao tốc có thuận lợi là chỉ cần bố trí vốn thực hiện thi công, xây lắp, còn mặt bằng có sẵn do thực hiện trước đây.
Hoàng Nam - Gia Minh