Sáng 12/10, quốc lộ 1K đoạn gần nút giao Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương) huyên náo bởi tiếng động cơ, còi hơi của dòng xe ben, container... nối đuôi nhau trên cả hai chiều. Mặt đường nhiều đoạn bị bong tróc, lổn nhổn đá dăm, đất cát, nên mỗi khi ôtô lớn chạy qua bụi mù mịt, hắt thẳng vào người đi xe máy cùng nhà dân sát bên.
Bà Thanh, 50 tuổi, sống bên quốc lộ, nói mỗi ngày phải tưới nước trước cửa cả chục lần nhưng đồ đạc, vật dụng trong nhà vẫn bám đầy bụi. Khu vực trên có nhiều mỏ đá, nhà xưởng, khu công nghiệp... nên xe tải nặng qua lại liên tục cả ngày lẫn đêm. Nhiều xe chở đất cát không che chắn làm vật liệu rơi vãi, mặt đường xuống cấp ít được sửa chữa, nên ngoài ảnh hưởng sinh hoạt, buôn bán, mỗi khi ra đường bà đều thấy bất an.
"Cách đây hơn hai năm khi quốc lộ còn thu phí, tuyến đường được duy tu, quét dọn nên ít xảy ra tai nạn. Gần hai năm nay, đường xuống cấp nên va quẹt xảy ra như cơm bữa", bà Thanh nói.
Theo hướng về Bình Dương và TP HCM, người dân dọc quốc lộ 1K cũng lo sợ tai nạn do thiếu đèn chiếu sáng; một số giao lộ không đèn tín hiệu hoặc hư hỏng nhưng chậm sửa. Đoạn qua giao lộ với đường Lồ Ô, Thống Nhất... (Bình Dương), tín hiệu giao thông không hoạt động nên nhiều ôtô chạy bạt mạng. Trong khi từ các đường nhánh ra quốc lộ, người đi xe máy cũng lộn xộn di chuyển. Họ nhìn trước ngó sau, rồi phi thẳng sang bên kia đường, khiến xe đang chạy nhanh trên quốc lộ phải thắng gấp, bóp còi inh ỏi...
"Nhất là ở nút giao với đường số 9 đoạn qua TP HCM, không có đèn tín hiệu nên ôtô, xe máy loạn xạ qua đường. Ngoài dễ xảy ra tai nạn, các xe mạnh ai nấy chạy làm khu vực thường xuyên ùn tắc", tài xế Văn Thắng, 35 tuổi, thường chở hàng qua quốc lộ 1K, nói.
Trong khi đó, hai trạm thu phí trên quốc lộ 1K sau khi dừng hoạt động đang bỏ trống, trở thành vật cản trên đường. Các làn xe qua trạm nhỏ hẹp nên ôtô không dám chạy nhanh. Nhiều xe bất chấp lấn qua phần đường xe máy, khiến giao thông thêm lộn xộn. Chưa kể, khu vực trạm thu phí còn tình trạng nhiều xe máy thay vì đi vòng 500 m tới điểm quay đầu đã chạy ngược chiều, dễ xảy ra tai nạn.
Quốc lộ 1K dài hơn 21 km, rộng 20-23 m, từ ngã tư Linh Xuân (TP HCM) qua Bình Dương đến ngã ba Hố Nai - quốc lộ 1, Đồng Nai. Trong đó, đoạn qua TP HCM dài gần hai km, Bình Dương khoảng 5 km, còn lại qua địa bàn Đồng Nai. Là trục huyết mạch nối liền ba tỉnh thành lớn ở Đông Nam bộ nên mỗi ngày, quốc lộ có hàng chục nghìn xe qua lại.
Cách đây 15 năm, sau khi hoàn thành dự án nâng cấp quốc lộ 1K theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), trạm thu phí được đặt ở hai vị trí thuộc địa phận Đồng Nai và Bình Dương. Tháng 10/2020, hai trạm dừng thu sau khi hoàn vốn cho nhà đầu tư, song đến nay không được di dời do chưa hoàn tất giải quyết các thủ tục của dự án.
"Từ ngày ngừng thu phí, ban đêm ở khu vực trạm thường không có đèn nên xe đi qua rất nguy hiểm", bà Trần Thị Phượng, 54 tuổi, nhà sát trạm ở đoạn qua tỉnh Bình Dương nói và cho biết đã chứng kiến nhiều vụ ôtô va vào các ụ bêtông ở trạm thu phí.
Theo Ban An toàn giao thông Bình Dương, Đồng Nai, hai năm qua công tác bảo trì, duy tu mặt đường, hệ thống điện chiếu sáng, đèn tín hiệu... trên tuyến bị "bỏ quên" khiến nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Năm 2021, đoạn quốc lộ 1K đi qua Bình Dương xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, làm 6 người chết và 14 người bị thương; riêng 6 tháng đầu năm nay có 14 vụ, làm 4 người chết, 10 người bị thương. Trong khi tại TP HCM, từ cuối năm 2021 đến tháng 9 năm nay, chỉ gần hai km tuyến quốc lộ đi qua địa bàn nhưng xảy ra 4 vụ tai nạn làm ba người chết (tăng 300% so với cùng kỳ).
Qua phân tích các vụ tai nạn giao thông trên tuyến, cơ quan chức năng nhận định ngoài lỗi chủ quan của tài xế, việc mặt đường xuống cấp, hệ thống đèn chiếu sáng, tín hiệu giao thông không hoạt động cũng là những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tai nạn. Bình Dương và TP HCM đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bàn giao quyền quản lý quốc lộ 1K đi qua địa bàn để chủ động duy tu, sửa chữa và tổ chức giao thông.
Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Thuận, nhà đầu tư và Tổng cục Đường bộ chưa giải quyết xong hợp đồng BOT quốc lộ 1K nên không thể bàn giao cho nhà nước quản lý. "Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có giải pháp giải quyết các trạm thu phí cũng như bảo trì hệ thống đèn đường nhằm đảm bảo an toàn nhưng chưa nhận được phản hồi", ông Thuận nói.
Ở phía Đồng Nai, ông Bùi Văn Tuấn, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cũng cho biết tại trạm thu phí bỏ không trên địa bàn, một số vụ tai nạn đã xảy ra thời gian qua. Vì vậy địa phương đã kiến nghị đơn vị quản lý duy tu, bảo trì các tuyến đã dừng thu phí, tăng hệ thống chiếu sáng, đèn cảnh báo, tháo dỡ trạm BOT... để đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ) cho biết sau khi quốc lộ 1K dừng thu phí năm 2020, tuyến được giao cho đơn vị quản lý. Các trạm thu phí hiện chưa di dời do chờ làm các thủ tục quyết toán, quyền sở hữu... Hai năm qua, đơn vị đã nhiều lần duy tu các đoạn hư hỏng trên tuyến, nhưng kinh phí hạn chế nên chưa thể giải quyết triệt để.
Trong khi đó, một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết mới đây đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải khi hoàn tất các thủ tục liên quan dự án BOT sẽ chuyển toàn bộ tuyến quốc lộ 1K cho các địa phương quản lý, khai thác. Trước mắt, tổng cục xin bố trí kinh phí cho công tác sửa chữa đột xuất trên tuyến, nhằm khắc phục tình trạng hư hỏng, xuống cấp, giúp xe chạy an toàn hơn.
"Sau khi Bộ Giao thông Vận tải quyết định chuyển quốc lộ 1K thành đường địa phương, chúng tôi sẽ phối hợp các bên lập hồ sơ đăng ký, kê khai tài sản và trình cấp thẩm quyền xem xét, trước khi giao các tỉnh thành quản lý", đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết.
Gia Minh - Phước Tuấn