Các đánh giá trong báo cáo của Lầu Năm Góc, nằm trong loạt tài liệu mật bị rò rỉ gần đây, cho hay giới chức đảo Đài Loan hoài nghi khả năng hệ thống phòng không của họ "có thể phát hiện chính xác các vụ phóng tên lửa" của quân đội Trung Quốc.
Theo báo cáo, phòng vệ Đài Loan có thể mất một tuần để chuyển tiêm kích đến nơi trú ẩn mới, khiến họ đối mặt nguy cơ lớn nếu quân đội Trung Quốc mở đợt tập kích tên lửa như trong cuộc diễn tập mô phỏng gần đây. Trong khi đó, chỉ hơn một nửa số máy bay trong biên chế của lực lượng phòng vệ Đài Loan có khả năng tác chiến đầy đủ.
Các tài liệu cũng đánh giá trong trường hợp nổ ra xung đột, không quân Trung Quốc có cơ hội tốt hơn trong kiểm soát vùng trời trên và quanh đảo Đài Loan. Giới chức hòn đảo nhận định kiểm soát vùng trời có thể cho phép quân đội Trung Quốc mở chiến dịch tiến công qua eo biển.

Tên lửa phòng không của đảo Đài Loan tại công viên ở thành phố Đài Bắc trong đợt diễn tập tháng 7/2022. Ảnh: CNA
Một đánh giá của tình báo Mỹ lưu ý Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông quân đội Trung Quốc, phụ trách khu vực eo biển Đài Loan, đã tăng cường sử dụng phà dân sự trong các đợt diễn tập trên biển.
Điều này khiến cộng đồng tình báo Mỹ dần mất đi khả năng phát hiện hoạt động bất thường hay công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiến công đảo Đài Loan của quân đội Trung Quốc.
Trong một số tài liệu bị rò rỉ, Lầu Năm Góc còn nhận định về tình trạng sẵn sàng của phòng vệ Đài Loan trong tình huống nổ ra xung đột.
Theo học thuyết hiện tại, phòng vệ Đài Loan sẽ khai hỏa hai tên lửa để đối phó với một mục tiêu, điều này khiến lực lượng của họ "bị áp đảo trước hỏa lực quy mô lớn" của quân đội Trung Quốc, vốn sở hữu nhiều bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Các chuyên gia của Lầu Năm Góc đánh giá các cuộc diễn tập cảnh báo tấn công tên lửa của đảo Đài Loan thường diễn ra theo một kịch bản vạch sẵn và không phù hợp để định hướng giúp giới chức dân sự và người dân trên hòn đảo chuẩn bị sẵn sàng cho "tình huống thực tế".

Đảo Đài Loan và eo biển cùng tên. Đồ họa: CSIS
Cục tình báo Liên quân thuộc Lầu Năm Góc còn đánh giá lực lượng phòng không của đảo Đài Loan thiếu "bức tranh tác chiến toàn cảnh", đồng nghĩa họ không biết rõ vị trí của các đơn vị tại một thời điểm cụ thể. Phòng không Đài Loan cũng không có hệ thống chống trùng lặp mục tiêu, khiến họ có thể khai hỏa cùng lúc nhiều tên lửa vào một máy bay đối phương.
Một tài liệu khác đánh giá chỉ huy phòng vệ trên không Đài Loan "có thể ngần ngại ra lệnh giao chiến với máy bay có người lái của quân đội Trung Quốc do lo ngại leo thang, dù đã nhận lệnh tấn công phủ đầu hoặc tiêu diệt mối đe dọa sắp xảy ra trên không".
Giới chức Đài Loan tháng 12/2022 thông báo kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự từ 4 tháng lên một năm, bắt đầu từ 2024. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đánh giá điều này không cải thiện đáng kể năng lực phòng không của Đài Loan.
Tình báo Mỹ cũng nhận định việc quân đội Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự quanh đảo Đài Loan "làm suy yếu khả năng theo dõi chính xác những gì là hoạt động bình thường và đâu là leo thang", làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm.

Lực lượng tên lửa thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông Trung Quốc diễn tập ngày 8/4. Ảnh: Xinhua
Một báo cáo cho biết trong trường hợp nổ ra xung đột tại eo biển Đài Loan, "Trung Quốc rất có thể dùng năng lực không gian của họ để vô hiệu hóa vệ tinh và khả năng thu thập thông tin tình báo của Mỹ".
Trung Quốc cũng có thể dùng vệ tinh theo dõi, nhắm mục tiêu và tập kích từ xa chiến hạm, tàu ngầm và tiêm kích Mỹ trên Thái Bình Dương tới hỗ trợ phòng vệ Đài Loan.
Các tài liệu tình bào Mỹ nhận định Trung Quốc coi năng lực tác chiến không gian là "rất quan trọng để ngăn chặn hoặc làm suy yếu Mỹ trong cuộc xung đột, cũng như tạo điều kiện cho khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc".
Bắc Kinh và chính quyền đảo Đài Loan chưa bình luận về các thông tin này.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Quân đội Trung Quốc được đánh giá có quy mô lớn gấp 14 lần so với lực lượng phòng vệ Đài Loan.
Quân đội Trung Quốc gần đây tổ chức tập trận kéo dài ba ngày tại các khu vực quanh đảo Đài Loan, nhằm phản ứng với cuộc gặp giữa lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ở bang California ngày 5/4.
Đợt tập trận huy động nhiều lực lượng của Trung Quốc, với kịch bản phong tỏa vùng biển và mô phỏng tập kích hàng loạt mục tiêu trên đảo Đài Loan. Có thời điểm quân đội Trung Quốc triển khai hơn 100 máy bay và tàu chiến xung quanh hòn đảo, trong đó 54 phi cơ vượt qua đường trung tuyến trên eo biển hoặc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không Đài Loan.
Phát ngôn viên Chiến khu miền Đông của Trung Quốc nói cuộc tập trận là "lời cảnh báo mạnh mẽ đối với hành vi thông đồng của lực lượng ly khai ủng hộ 'Đài Loan độc lập' với thế lực bên ngoài". Chính quyền Đài Loan chỉ trích cuộc tập trận gây bất ổn khu vực nhưng tuyên bố sẽ không có hành động khiêu khích hay làm leo thang căng thẳng.
Nguyễn Tiến (Theo WP)