Trả lời:
Tên khoa học của hạt sen là Nelumbinis semen, có nguồn gốc từ cây sen (Nelumbo nucifera). Hạt sen không chỉ dùng để ăn vặt, nấu chè, làm mứt, chế biến nhiều món ăn ngon bổ dưỡng mà còn là dược liệu quý dùng làm thuốc.
Trong 100 g hạt sen khô có 332 Kcal, 64,47 g carbohydrat, chất đạm, chất béo. Hạt sen còn chứa các hợp chất thực vật có lợi, có đặc tính chống oxy hóa như flavonoid, glycoside, phenolic và alkaloid. Đây được xem là nguồn cung cấp dưỡng chất tuyệt vời, mang nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp ngủ ngon, thư giãn, giảm căng thẳng, tốt cho tim mạch, hạ đường huyết, hỗ trợ tiêu hóa, bồi bổ cho phụ nữ mang thai, giảm cân, mỡ, chống viêm, giảm đau.
Tuy nhiên, khi dùng, bạn cần lưu ý liều lượng để điều chỉnh phù hợp với sức khỏe, tuổi và các yếu tố liên quan khác. Liều thông thường là khoảng 2-3 nắm hạt sen, hoặc từ 250 mg đến 3 g bột hạt sen, hay 2-5 g tâm sen.
Trẻ nhỏ không nên ăn quá nhiều hạt sen do hệ tiêu hóa còn non yếu, không thể hấp thụ. Bên cạnh đó, chúng còn có thể bị dị ứng, gây khó thở, ngứa da, nôn, tiêu chảy, thậm chí sốc phản vệ, tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Cha mẹ không nên trộn lẫn hạt sen vào cháo vì nó dễ khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu, biếng ăn.
Hạt sen có đặc tính chống tiêu chảy. Vì vậy, dùng nhiều có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Người bị bệnh gout hoặc tiền sử sỏi thận, nguy cơ bị sỏi thận nên ăn hạt sen mức vừa phải. Người mắc bệnh tim khi dùng hạt sen phải bỏ tâm sen hoặc dùng chúng với lượng vừa phải. Bạn nên sao tâm sen đến ngả vàng để khử độc trước khi dùng.
Người đang dùng thuốc tây y điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp, khi sử dụng hạt sen trong chế độ ăn, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh hạ đường huyết, huyết áp quá mức.
Hạt sen đã được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống, ẩm thực và y học. Tuy nhiên, người dân cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm và tiêu thụ ở mức độ vừa phải để đảm bảo sức khỏe. Đồng thời, bạn phải nhận thức được các phản ứng dị ứng tiềm ẩn của bản thân với hạt sen, tránh ảnh hưởng sức khỏe.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ
Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Y dược TP HCM