Sau hồi ký Gánh gánh gồng gồng đoạt giải Văn học TP HCM năm 2021, bà Xuân Phượng giới thiệu tác phẩm mới, hôm 24/9, tại TP HCM. Nội dung về những ngày đầu ra đời phòng tranh Lotus của bà vào năm 1991, cùng những chuyến đi nước ngoài tổ chức triển lãm, bán tranh, giúp các tác phẩm của họa sĩ Việt tạo dấu ấn trên thế giới. Trong hai tháng phát hành, tác phẩm đã in lần ba, với khoảng 4.000 bản.
Theo tác giả, mục đích của những chuyến đi là để giới thiệu văn hóa Việt Nam. Đầu thập niên 1990, việc tổ chức triển lãm ở các quốc gia khác không dễ dàng. Bà và đội ngũ phải có thư mời, xin visa, lo vận chuyển, thuê mướn, bày biện không gian, quảng bá, lo chỗ ở cho cả đoàn. Trong sách, bà kể bị người xấu lừa ba lần với mánh khóe không ngờ tới.
Để duy trì phòng tranh hơn 30 năm, tác giả phải chuyển địa điểm nhiều lần do không thỏa thuận được hợp đồng cho thuê với chủ nhà. Có lần, phòng trưng bày và xưởng sản xuất bị thiêu rụi, khiến bà gần như trắng tay. Không nản chí, tác giả bán nữ trang, đi vay mượn bạn bè để gầy dựng lại.
Bà kể về khoảng thời gian phát triển nghệ thuật bằng văn phong nhẹ nhàng, hài hước, xen lẫn hình ảnh minh họa cho những lần ra nước ngoài. Tác giả còn tìm kiếm tài năng họa sĩ chưa thành danh, khuyến khích, hỗ trợ họ trên con đường làm nghề.
Với tác giả, cụm từ "khắc đi khắc đến" nghĩa là một khi đã quyết định làm điều gì đó, người ta sẽ kiên trì đến cùng. Trên con đường làm nghệ thuật, bà Xuân Phượng nhiều lần tin tưởng lựa chọn của mình, vượt qua khó khăn để hướng đến tương lai tốt đẹp.
Tại sự kiện ra mắt sách, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM - cho biết: "Khắc đi khắc đến mở ra câu chuyện quảng bá văn hóa Việt đến thế giới". Nhà văn Minh Phong nhận xét: "Những câu chuyện trong sách khiến người đọc thán phục về khả năng thẩm định nghệ thuật, cùng tấm lòng của tác giả với những tài năng hội họa".
Bà Xuân Phượng sinh năm 1929, theo kháng chiến chống Pháp từ năm 16 tuổi. Ngoài viết văn, bà từng thực hiện hàng loạt phim tài liệu mang tính thời sự, phản ánh những sự kiện chiến sự tại chiến trường Campuchia, biên giới phía Bắc và là một trong những phóng viên đầu tiên vào Dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng vào ngày 30/4/1975. Những bộ phim bà thực hiện gồm: Việt Nam và chiếc xe đạp (1974), Tôi viết bài ca hồi sinh (1979), Khi tiếng súng vừa tắt (1975), Khi những nụ cười trở lại (1976), Hai tiếng quê hương (1978). Khi về hưu năm 1989, bà trở thành nhà sưu tập tranh, chủ gallery Lotus ở TP HCM.
Sách Gánh gánh gồng gồng (2020) của bà phát hành hơn 25.000 bản. Bà cũng từng xuất bản hồi ký Áo dài (viết chung nhà báo Danièle Mazingaber, xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp năm 2001).
Quế Chi