Bìa cuốn hồi ký Áo dài. |
- Tại sao bà lại viết cuốn hồi ký đặc biệt này với nhan đề “Áo dài”?
- Tôi muốn thế hệ trẻ Việt Nam biết được những thay đổi trong cuộc sống của họ. Bạn có biết ngay cả những đứa cháu của tôi cũng chẳng muốn nghe câu chuyện của tôi, có lẽ chúng không thấu hiểu được ngày xưa bà chúng đã sống như thế nào.
Hay câu chuyện về người bạn tôi là quân nhân. Trong buổi tang lễ của ông, hàng xóm cứ thắc mắc là tại sao ông ta lại có nhiều người đến viếng thế trong khi thường ngày ông ta chỉ là một ông già đơn độc, lủi thủi. Điều quan trọng nhất mà họ không biết, đó là sự cống hiến cả đời của ông ấy cho chính tự do của họ.
Thêm nữa, khi gặp lại mẹ và các anh chị em ruột của tôi sau 40 năm xa cách ở Paris, họ vẫn đưa ra những câu hỏi chứng tỏ rằng không hiểu hết những nỗi khổ đau mà nhân dân ở hai miền Nam - Bắc đã phải chịu đựng trong những năm chiến tranh. Cho nên tôi cần phải có một thông điệp thật mạnh mẽ để mọi người hiểu thế hệ chúng tôi đã sống như thế nào.
- Sự phản hồi từ công chúng đối với cuốn sách như thế nào, thưa bà?
- Năm ngoái tôi đã đến Vácxava để tham gia phát hành bản tiếng Ba Lan. Thật tuyệt vời! Tôi đã nhận được hàng trăm lá thư của độc giả. Trong chuyến đi tới Mỹ, tôi có gặp các nhà sử học của thành phố New York và Washington. Cũng từ đó, tôi khám phá ra một điều là đã có tới 47.000 cuốn sách nói về chiến tranh ở VN nhưng rất ít trong số đó thể hiện quan điểm của người VN.
- Xin bà cho biết phần nào được cho là khó viết nhất?
- Có những ký ức thật đau lòng, ví như khi 15 tuổi, tôi đã quen với việc đi giày, nhưng khi đi kháng chiến, vào trong rừng tất nhiên tôi không được đi chúng nữa, chân bị rớm máu.Tôi phải lau sạch vết máu chảy để không ai chú ý đến nó nữa. Vết đau đó làm tôi không thể nào quên được.
Song tôi muốn nói là tôi không hề hối tiếc về con đường mình đã chọn và nếu như được làm lại một lần nữa, tôi sẽ vẫn lựa chọn con đường đó. Vì khi sống ở một đất nước bị ngoại bang xâm chiếm thì tất cả chỉ là làm sao giải phóng được đất nước mà thôi.
(Theo Nhân Dân)