Tác phẩm dài 300 trang, ghi lại quãng đời nhiều thăng trầm của bà, từ lúc là cô gái 16 tuổi trốn nhà đi theo cách mạng đến khi trưởng thành. Bà làm nhiều nghề như y tá, nghiên cứu thuốc nổ, làm báo ở chiến khu Việt Bắc, bác sĩ, cán bộ văn hóa. Về sau, bà chuyển sang học và làm phim tài liệu chiến trường sau khi cùng vợ chồng đạo diễn người Pháp Joris Ivens đi làm phim tài liệu Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân năm 1967. Về hưu, bà mở phòng tranh tại TP HCM, hỗ trợ nhiều họa sĩ phát triển nghề.
Theo hội đồng chuyên môn, những trang viết của Xuân Phượng làm sống dậy gần trọn một thế kỷ đầy biến động, đau thương, bi hùng của đất nước. Là biên kịch - đạo diễn phim tài liệu, bà sử dụng hài hòa ngôn ngữ văn học và điện ảnh, giúp hồi ký giàu tính hình tượng, âm thanh, tăng hiệu quả cảm xúc người đọc.
Tác giả cho biết động lực khiến bà cầm bút là để hóa giải uẩn khúc được chôn giấu trong lòng, về những sự kiện gắn liền với cuộc đời bà và nhiều nhân vật. Đầu sách, bà hồi tưởng cảnh hội ngộ mẹ ở Pháp sau hơn 40 năm xa cách. Xuân Phượng nói: "Tôi quyết định viết lại vì mong gia đình thương yêu hiểu rõ thêm những gì tôi đã trải qua, và cũng vì những người trẻ chưa biết đến chiến tranh". Trước Gánh gánh gồng gồng, Xuân Phượng còn có cuốn hồi ký khác - Áo dài, viết bằng tiếng Pháp, được Nhà xuất bản Plon in và phát hành tại Paris, sau đó dịch ra tiếng Anh, Ba Lan.
Ngoài Xuân Phượng, hội đồng chuyên môn còn trao giải cho tác giả Bùi Quang với tác phẩm Đất K - truyện ký kể về những ngày hậu chiến khó khăn, tác giả Cao Xuân Sơn với Bấm chân qua tuổi dại khờ - tập thơ duy nhất nhận giải của hội năm nay. Mỗi giải thưởng trị giá 16 triệu đồng.
Ban tổ chức cũng trao tặng thưởng (tám triệu đồng) cho hồi ký Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối của Huỳnh Dũng Nhân, tập truyện ngắn Đoản khúc chiều phù dung của Vũ Văn Song Toàn, tiểu luận - phê bình Đi tìm mỹ cảm văn chương của Trần Hoài Anh.
Tam Kỳ