Cưới vợ mới, ra mắt… “Vợ cũ”
- Vừa cưới vợ mới ông đã giới thiệu sách có tên “Vợ cũ”, điều gì khiến ông làm như vậy?
- Thường phụ nữ không muốn người đàn ông của mình nhắc tới vợ cũ, tình cũ, đó là điều kiêng kị bởi bản năng người ta vốn vị kỷ. Nhưng, một là tôi viết tạp văn này trước khi quen người vợ tôi hôm nay. Vả lại tôi luôn nghĩ rằng, dầu là nhắc tới vợ cũ, song khi nhắc với cái tâm thiện thì tôi tin là vợ mới sẽ vượt qua điều thông lệ nói trên. Thứ nữa là, nếu ai đọc chậm sẽ thấy trong tạp văn, dù câu chuyện có nhiều chi tiết rất cụ thể về sự nhân hậu của vợ cũ, nhưng lại hoàn toàn không cụ thể ở danh tính. Ở đây ngoài cái cụ thể của câu chuyện tôi muốn gửi đi, đào sâu một thông điệp đã rất cũ xưa của văn hóa Việt, đấy là câu: Hết tình thì còn nghĩa. Cái nghĩa sâu và xa hơn tình. Thời đại hôm nay, khi thị trường hóa nhiều vấn đề, nhiều gia đình sau đổ vỡ thành bi kịch khủng khiếp, vậy câu chuyện có tính cá nhân của tôi có giúp gì ai chăng? Có lẽ chính vì thế, với tư cách nhà văn tôi không đắn đo và tin tưởng ở bạn đọc, kể cả bạn đọc ấy là "vợ mới" sẽ nhận ra thông điệp ẩn trong câu chuyện này để sự đắn đo không còn nữa.
- Vợ ông phản ứng thế nào khi nghe tên tác phẩm mới của chồng?
- Vợ mới của tôi đọc “Vợ cũ” khi chúng tôi đang tìm hiểu nhau. Có lẽ cảm thấy tấm lòng trọng cái nghĩa, trọng sự hy sinh của người đàn bà Việt trong tạp văn, nên Châu Giang, khi ấy là người tôi yêu, đã rất xúc động. Và với những câu chuyện khác nho nhỏ như thế Châu Giang hiểu tôi và thương tôi hơn. Sau này, khi ăn hỏi rồi, vợ mới cứ nằng nặc đòi tới chào vợ cũ với cả sự trân trọng, kính phục. Tôi nghĩ rằng, cái cốt lõi của hiệu ứng mỗi hành vi của con người phải đều từ cái gốc. Nếu tâm thiện, cái gốc cây lành thì sẽ sinh ra quả ngọt. Chúng tôi chưa kịp tới chào thì như trong sách đã viết, vợ cũ lại rộng lòng gửi chút đồ ăn giúp vợ mới của tôi khắc phục những khiếm khuyết trong nội trợ để tôi sống thuận lợi hơn. Những việc đời thường như thế của con người thiết nghĩ nên cho thiên hạ biết để hiểu là ở xã hội ta bây giờ không thiếu người tốt và tâm thiện, cái gốc của một nền văn hóa mà ở hầu hết các vùng đất đều có thờ Phật, coi sự bác ái của đạo Phật là dòng chảy bất tận thì xóa bỏ cừu hận mà vui, mà yêu sống.
- Đọc “Vợ cũ” thấy ông vẫn dành rất nhiều tình cảm cho người vợ đầu cũng như người ấy cũng dành nhiều tình cảm cho ông, nếu ở những trường hợp khác thì một sự sum họp rất có thể là cái kết, nhưng với ông thì…
- Tôi có nhiều quan niệm rất rạch ròi, về tình cảm càng rạch ròi rõ ràng hơn. Tình cảm dành cho vợ cũ ở trong sâu thẳm tôi là ân nghĩa. Điều đó khác với tình yêu và chính vì quan niệm không rạch ròi như tôi mà nhiều người bị trói buộc vào những tín lễ quan hệ không hạnh phúc trọn vẹn. Ở mối tình thứ nhất với vợ cũ, chúng tôi từ khi hết tình yêu, ly dị rồi nhưng vẫn có quan hệ mật thiết vì trách nhiệm và tình yêu của cả hai với con chung. Người ta, tôi và vợ cũ vẫn có thể bằng lòng với một quan hệ như thế hơn là một quan hệ chắp vá dễ thương tổn, bởi chúng tôi đều hiểu rất rõ ưu khuyết điểm của nhau. Phải khẳng định rằng, cứ giả như tôi muốn nối lại đi, chắc gì vợ cũ đã đồng ý, vì xem ra người mẹ đáng phục ấy rất bằng lòng với sự yên vị bao nhiêu năm nay rồi. Cho nên ở quan hệ tình cảm, trái tim mách bảo là điều quan trọng lắm, nó cao hơn, quyền năng hơn lý trí.
Trẻ hơn rất nhiều người trẻ
- Ông đang đón nhận cảm giác của một người làm cha khi đã… làm ông, ông có thể chia sẻ một chút cảm giác ấy?
- Tôi đã là ông ngoại. Cháu gọi tôi bằng ông rất xinh đẹp. Nhưng tuổi tác và hoàn cảnh không bao giờ mang lại cho tôi sự mặc cảm già nua. Bởi tôi là người ưa hoạt động và sáng tạo từ khi tôi thoát ly tự lập lúc 16 tuổi vào quân ngũ. Một ngày không hoạt động, không suy nghĩ cho việc gì là thấy bất yên. Hàng ngày tôi làm việc từ ba giờ sáng, ban ngày thì giao tiếp quan sát cuộc sống và làm vườn hay chăm sóc tổ ấm của mình.
Cho nên tôi cho rằng tôi trẻ hơn rất nhiều người trẻ và vì thế ông trời thương nên ban cho tôi một đứa con chăng? Trong cuộc đời này nhiều người hay lệ thuộc vào quy luật của người khác, nhưng có nhiều ngoại lệ. Tôi chưa thấy mệt mỏi nên luôn chờ đón điều mới, cái mới…
- Ông quan niệm thế nào về yếu tố già - trẻ trong tình cảm và hôn nhân?
- Thật vui nếu như dăm năm nữa tôi ngồi bên con để dạy nó thành người tử tế với tầng tầng lớp lớp kiến thức và kinh nghiệm. Cho nên già và trẻ trong hôn nhân cũng chỉ là tương đối. Có những người trai mới ba mươi song ở gia đình vẫn như ông cụ hoặc là cái gai với người vợ. Tôi thì không. Tất nhiên người hiểu biết là biết tiết chế và điều độ. Cái gì thái quá cũng bất cập.
- Theo ông, đàn ông ngoài 60 có những điểm mạnh gì khiến phái nữ phải nể phục?
- Phụ nữ ở vai trò làm vợ có lẽ sợ nhất ở với người đàn ông gia trưởng và trì trệ. Tuổi hơn 60 lại qua hai lần đổ vỡ hẳn đầu y trường đời để ăn ở với vợ sao cho phải đạo. Tôi luôn làm gương với vợ về thái độ sống, quan hệ với cha mẹ vợ rất kính trọng và luôn bầy tỏ thật lòng. Âu cũng là sự ứng xử của người trải đời. Và những điều nho nhỏ ấy làm cho vợ trẻ của tôi nể trọng. Vợ tôi cách tôi một thế hệ, như vậy về trường sống tôi có thể ở tư cách làm thầy cho vợ trong nhiều nhẽ. Song tôi từng viết: Tôi trốn ở nhà ngang/ Tự làm thầy làm trò... Làm chồng dù có tài tới mấy cũng phải biết nghe vợ, nhất là trong lĩnh vực gia đình và tình cảm. Cũng thú vị nếu như trong cảnh huống nào đó mình tuy 66 rồi mà chợt biến thành trẻ con để vợ cưng chiều răn dạy từ hạt cơm vãi trên mặt bàn vô ý, vợ nhắc nhở âu yếm cũng đủ như tiếng nhạc kinh coong trong trái tim của một người quá nhiều bất hạnh.
Đăm đắm yêu và ghét
- Nhiều người vẫn đinh ninh tiểu thuyết “Quyên” của ông sẽ là một lời chia tay với thể loại truyện ngắn, bởi độ chín cùng những trải nghiệm của Nguyễn Văn Thọ, nhưng rồi ông đã quay lại với truyện ngắn và tạp văn. Ông nói sao?
- Người ta nghĩ như vậy vì người ta chưa nghĩ hết rằng viết truyện ngắn thật hay khó hơn cả viết tiểu thuyết. Tạng của tôi không thể một năm ra một cuốn tiểu thuyết như vài nhà văn hiện tại. Những vấn đề mà ngôn ngữ tiểu thuyết tạo nên tầng nấc đồ sộ làm nên “thuyết của tiểu thuyết” đòi hỏi nhà văn chớ nên coi thường dễ dàng cho ra đời những đứa con yếu ớt dễ chết yểu. Phải đầu tư! Nhưng không thể ngồi không khi bí trong những “tình huống tiểu thuyết”. Do vậy tôi vẫn viết truyện ngắn cả khi tôi đang viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết “Quyên” xưa cũng viết như thế, mà sau “Quyên” có lẽ lối viết cũng vậy. Nó giúp tôi bớt đi thời gian chết và không đứt dòng tư duy văn học. Tôi có thói quen mở nhiều cửa sổ để viết nhiều thể loại một lúc. Bí cái này nhảy sang cái khác. Cách làm việc này tạo cho hiệu suất lao động nhà văn cao hơn. Bạn cứ thử xem, khi ta phân thân tạo ra nhiều thang bậc khác nhau tự ta thấy mình linh hoạt hơn.
- Đọc tạp văn của ông, nhiều người nói nó gần với truyện ngắn hơn. Ông nghĩ sao?
- Trong tập tạp văn “Vợ cũ” có nhiều câu chuyện thật mà tình tiết như tiểu thuyết hay truyện ngắn. Cuộc sống của tôi quá nhiều chất liệu cho văn học. Có thể đó là số phận song cũng một phần do đặc tính tâm hồn, tính cách để tôi tiếp cận được với nhiều chi tiết có tính văn học. Do vậy rất nhiều chuyện ở tùy bút, bút ký, tạp văn của tôi gần chi tiết và do tay nghề cũng làm cho nó dồn nén làm bạn đọc cảm giác gần gũi với truyện ngắn.
- Thế tại sao ông không sử dụng những chất liệu đó để dựng truyện ngắn mà lại dùng nó cho tạp văn?
- Dù thừa biết nó rất dễ dàng tạo nên truyện ngắn song tôi vẫn trình bày dưới dạng tạp văn để bảo đảm tính chân thực của câu chuyện. Điều này xuất phát từ mục đích viết và quan niệm sống. Từ mục đích viết tôi không coi trọng danh hiệu nhà văn được tính bằng số đầu của truyện ngắn mà trọng sự viết để làm gì và cho ai.
- Những tháng ngày cô đơn trên đất khách ông đã lao động văn chương rất hiệu quả, liệu một cuộc sống yên ấm trên chính quê hương mình, Nguyễn Văn Thọ - nhà văn sẽ thế nào?
- Là người đi nhiều nơi, lại thuộc Hà Nội như lòng bàn tay nhưng cho tới hôm nay đôi khi tôi lại lạc lối trên chính quê hương mình. Sự trải nghiệm ở xứ người cùng với sự quan sát xã hội hôm qua và hôm nay một cách sâu sắc suy nghĩ thấu đáo giúp nhà văn viết những điều định nói chững chạc và sinh động hơn. Tôi nghĩ sống ở quê hương được là tốt nhất, cùng lắm mới phải tha hương. Nhất là thế hệ đã có quá nhiều gắn bó với mảnh đất đã nuôi dưỡng mình... thì ở đâu cũng vậy thôi, nhà văn vẫn viết được nếu thực lòng còn đăm đắm yêu và ghét!
Dương Tử Thành thực hiện