Chiều 27/3, nhà văn Nguyễn Văn Thọ tổ chức ra mắt hai cuốn sách gồm tản văn "Vợ cũ" và tập truyện ngắn "Sẫm Violet". Nguyễn Văn Thọ là tác giả của "Quyên" - tiểu thuyết về cô gái gốc Hà Nội theo chồng vượt biên sang Đức, với chín năm lênh đênh xứ người đủ ê chề và thừa khát khao sống yên lành, hạnh phúc - vốn được đánh giá cao trong những tác phẩm viết về đời sống người Việt ở hải ngoại.
Đối với người lần đầu tiên tiếp xúc, tác giả của "Quyên" và mới nhất là "Vợ cũ", "Sẫm Violet" quả là khó lường, cả về ngoại hình, cung cách và cả văn chương. "Khó lường" ấy là bởi tưởng thế này mà lại thế kia. Nguyễn Văn Thọ ăn mặc có phần bụi bặm, quần jean áo vest, đầu trọc bóng láng, không hẳn già nhưng hỏi ra lại đã "đầu 6" (nhà văn sinh năm 1948). Lại nữa, ở cái tuổi gần thấp thập, cách nói chuyện của ông vẫn sôi nổi, hóm hỉnh, trẻ trung có phần tếu táo. Tưởng là kẻ tưng tửng nhưng càng nói càng ra những lời thật thà, gan ruột, chân thành.
Nguyễn Văn Thọ đã qua hai đời vợ. Người vợ ba ông vừa cưới được ít lâu có mặt trong buổi ra mắt sách của chồng, trong đó có việc trình làng tác phẩm ông viết về người vợ đầu tiên với một nghĩa tình sâu đậm. Khi được hỏi liệu có ngại ngần không khi trước mặt vợ mới mà "khoe" vợ cũ, Nguyễn Văn Thọ không trả lời mà cười rất hóm rồi thản nhiên nói với với cô vợ tên Châu Giang ngồi trong khán phòng: "Vợ ơi vợ có thể trả lời cho tôi câu hỏi này được không?". Châu Giang chia sẻ, chị được đọc tản văn "Vợ cũ" từ khi chưa biết Nguyễn Văn Thọ hay vợ của anh là ai. "Tôi xúc động trước tình cảm người đàn ông dành cho vợ mình. Sau này, khi yêu và lấy nhau, tôi có cơ hội biết đến chị nhiều hơn. Tôi rất kính trọng và hiểu vì sao chồng tôi lại trân trọng chị đến thế", Châu Giang đáp. Sự đáp trả chân tình của vợ mới, khiến người ta tò mò, người đàn ông này hẳn phải sống thế nào mới nhận lại được thế? Và vợ cũ của ông là người ra sao?
Trong "Vợ cũ", Nguyễn Văn Thọ kể về người đầu tiên gắn bó với ông. Người phụ nữ xuất thân nề nếp, sạch đến mức "nhặt rau muống, phải rửa hàng dăm bảy bận, soi từng lá rau trên trời, ở cái thời mà rau cỏ chưa ngấm thuốc sâu như hôm nay". Người phụ nữ mà sau khi họ ly hôn, tất tưởi đạp xe lên viện cùng lúc chăm con gái, chăm cháu, rồi lại về nhà chăm bố đẻ ốm, đến mức không coi sóc được bản thân mình. Một lần, bà bị chiếc ôtô lùi vào người, ngã rách môi khâu sáu mũi. "Tôi òa khóc tức tưởi như đứa trẻ con", Nguyễn Văn Thọ viết. Người phụ nữ khi biết chồng cũ thiếu lọ muối và tiêu để ăn bữa sáng cùng người ông sắp lấy làm vợ mới, đã cặm cụi rang muối trắng, giã tiêu cay cho vào lọ, đưa con gái trao tay chồng. Nguyễn Văn Thọ viết lại những điều đó bằng một giọng văn chân thành, đầy hàm ơn và cảm kích. Phải nhiều "nghĩa" lắm ông mới nói được những lời thẳng, thật mà gan ruột đến thế này: "Tôi tâm thành, nếu bà ấy có mất trước, thì bố con tôi thờ, nếu tôi đi trước bà ấy, thì vong hồn tôi sẽ che chở cho bà. Còn nếu như, chả may bà ấy ốm, thì mặc mẹ thị phi, tôi sẽ vào viện chăm bà, trả nghĩa như sông suối cho con cháu và chính thằng chồng bất hạnh, ngu xuẩn chưa tường câu chín bỏ làm mười khốn nạn là tôi".
Trong tản văn "Vợ cũ", Nguyễn Văn Thọ đã viết hoa - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - danh từ này, bằng tất cả sự trân trọng của mình đối với "người đàn bà tử tế". Nguyễn Văn Thọ không dùng "cô ta" hay một cái tên cụ thể nào. Không ai biết tên bà, bởi tên bà chính là "Vợ cũ". Cách gọi bộc trực, chân tình, không hoa mỹ và không một chút oán hận nào, đúng như những gì nhà văn viết: "Song tất cả sau những đau đớn qua đi tôi cho là duyên kiếp và nhẹ nhàng".
Từ chuyện đời, đến chuyện văn, Nguyễn Văn Thọ cho thấy một sự trân trọng phái yếu. Người đàn ông đến độ vệt son môi trên chiếc cốc của cô gái để lại ở quán cà phê cũng xao động: "Vô tình anh đặt môi đúng vào vệt son trên tách/ vệt son hình trái tim còn mọng dấu/ anh nuốt cả hương trà, nuốt cả hương môi" (một bài thơ của ông) khiến người ra dễ nghĩ đến sự đa tình, nhưng Nguyễn Văn Thọ lý giải "tình yêu cái đẹp khác với yêu nhau". Nguyễn Văn Thọ cho thấy ông cũng yêu "cái đẹp" lắm. Trong buổi ra mắt sách, dù có vợ ngồi ngay đó, Nguyễn Văn Thọ vẫn không thôi dành cho những người phụ nữ khác, dù quen dù lạ, sự ân cần. "Em, người đẹp có tên thuốc phiện, em nói đi" (Nguyễn Văn Thọ khuyến khích một cô gái tự nhận tên là Anh Túc phát biểu trong buổi ra mắt sách), hay "Em tên thật là gì ấy nhỉ?" - tưởng như đưa đẩy nhưng thật ra, đó cũng chỉ là một trong nhiều phút giây ông bày tỏ sự trân trọng trước cái đẹp hiển hiện ở người phụ nữ mà thôi.
DiLi - dẫn chương trình buổi ra mắt sách - nói, văn Nguyễn Văn Thọ tưởng thật mà bịa, tưởng bịa mà thật (lại vẫn là sự "khó lường"!). Những chuyện ông viết tưởng chỉ có trong tiểu thuyết nhưng người ta lại thấy nó thật đến không có gì thật hơn. Thật khó để phân định đó là văn hay chính cuộc đời Nguyễn Văn Thọ. Ấy là bởi, dù viết về cái gì, viết kiểu nào ông cũng đẩy đến tận cùng của tình yêu và sự chân tình. Những người từng đọc Nguyễn Văn Thọ nói, văn chương của ông có lúc gồ ghề, lúc lại quá đỗi dịu dàng. Hành văn rất giản dị, chỉ đơn giản là kể, không ẩn ý, giấu giếm điều gì dưới những con chữ, "như viên đạn ra khỏi nòng đi thẳng" (nhận xét của Đặng Thiều Quang) nhưng ấn tượng là bao giờ cũng để lại dư âm của tình yêu thương. Đơn giản như khi viết về cây khế, dù chỉ là chuyện cây khế trong khu vườn nhỏ giữa thành phố nhưng cũng lan tỏa đâu đó chuyện con người. Trong những tác phẩm của ông, dù trước đó có buồn, có xót ca, có khấp khểnh thì cuối cùng là dư vị của tình yêu được bày tỏ một cách nhiệt tình, hồn hậu.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy nhận xét, văn xuôi Nguyễn Văn Thọ có ba mảng chính: đời sống Hà Nội, chiến tranh và đời sống người Việt ở hải ngoại. Trong hai cuốn sách mới có đủ ba đề tài đó. Tập truyện "Sẫm Violet" gồm 11 truyện ngắn với chủ đề đa dạng về chiến tranh, về cuộc sống của những người Việt tha hương ở Đức, về đề tài dã sử và cả nhịp sống chậm rãi, đôn hậu của những người thành thị. Nguyễn Văn Thọ tự nhận, trước và sau, ông không thay đổi cách viết, vẫn lối viết đầy ắp chi tiết, tùy từng câu chuyện để chọn giọng văn và chú ý đến logic, nhưng biên độ khám phá cuộc sống đã thay đổi. Nếu như ban đầu ông chỉ chú trọng đến những số phận cá nhân thì càng ngày, Nguyễn Văn Thọ càng hướng tới số phận, gương mặt của dân tộc và con người nói chung. Viết về hậu chiến, tác giả nhìn thấy sự mất mát của những người lính sau cuộc chiến ở cả hai phía, hay viết dã sử thì cố gắng tìm ra cái cốt cách của văn hóa Việt.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ trải qua thời gian dài ở Đức, đặc biệt là thời điểm bức tường Berlin sụp đổ. Ông cũng từng thành công với "Quyên" và được đánh giá là một trong số ít những nhà văn khai phá mảng đề tài người Việt ở nước ngoài. Nguyễn Văn Thọ cho biết ông đang nung nấu một tiểu thuyết tiếp theo về số phận những người di dân nói chung, không riêng ở Đức như "Quyên". Nguyễn Văn Thọ cũng khẳng định, ông không sợ cạn kiệt vốn sống, chất liệu và không phải là người gặm nhấm quá khứ để làm chất liệu sáng tác của mình.
Cũng trong buổi ra mắt sách, họa sĩ Nguyễn Thành Chương - bạn thân của Nguyễn Văn Thọ - làm rõ thêm góc con người nhiệt tình, thẳng thắn và sống hết mình của nhà văn. Họa sĩ Thành Chương nói: "Tôi tin rằng nếu có ai đó nhằm thẳng tôi mà bắn thì Nguyễn Văn Thọ chính là người giơ thân mình ra đỡ viên đạn cho tôi".
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2000-2001 (Truyện ngắn "Cõi ảo"); Giải tư cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ 1998-2000 (Truyện ngắn "Vườn Maria"); Giải tư cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ 2003-2004 (Truyện ngắn "Phố cũ"); Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2004 (Tập truyện ngắn "Vàng xưa"); Giải nhì cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2006-2009 (Tiểu thuyết "Quyên"). Các tác phẩm trước đây của ông gồm: "Mảnh vỡ" (Tập thơ - 1998); "Gió lạnh" (Tập truyện ngắn - 1999); "Cửa sổ" (Tập thơ - 2000); "Bên kia Trái đất" (Tập thơ - 2002); "Vàng xưa" (Tập truyện ngắn - 2003); "Đào ở xứ người" (Tùy bút) - 2005; "Thất huyền cầm" (Tập truyện ngắn - 2006); "Quyên" (Tiểu thuyết - 2009).
Hà An
Ảnh: Đạt Ma