Theo tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam, hoa lài còn gọi là nhài. Tên khoa học là Jasminum sambac (L.) Ait, thuộc họ nhài Oleaceae.
Nhài là dạng cây nhỡ, nửa bò. Cành non mảnh, có lông mềm trải ra. Lá hình trái xoan - bầu dục, bóng ở cả 2 mặt, dài 30 đến 70 mm, rộng 20 đến 35 mm, có lông ở mặt dưới, cong ở mép, gân con thành mạng lưới. Cụm hoa ở ngọn, màu trắng, thơm ngát. Đài có lông, ống hình chuông, 10 thùy hình dải. Nhị hình trái xoan, mũi ngọn, ngắn và tù. Bầu cụt. Quả gồm từ một đến 2 lá noãn, hình cầu, đường kính 6 mm, màu đen, bao bọc bởi đài.
Loài thực vật này ưa sáng, ra hoa từ tháng 5 đến 7, có quả tháng 7 đến 9. Đông y dùng hoa, lá và rễ làm thuốc. Thu hái hoa vào mùa hè thu khi mới nở, dùng tươi hay sấy khô. Lá thu hái quanh năm. Rễ thu hoạch tốt nhất vào mùa thu đông, đào về rửa sạch, thái phiến rồi phơi hay sấy khô.
Hoa và lá nhài có vị cay, ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, lợi thấp. Rễ vị cay, ngọt, tính mắt, có độc, tác dụng trấn thống.
Hoa và lá nhài dùng để trị ngoại cảm, phát nhiệt, bụng đầy, tiêu chảy, Hoa nấu nước rửa trị bệnh mắt đỏ sưng đau. Rễ trị mất ngủ, đòn ngã tổn thương. Liều dùng: Rễ, hoa, lá từ 3 đến 6 g. Dùng ngoài tùy lượng phù hợp.
Tiến sĩ Chi giới thiệu một số bài thuốc hay từ cây hoa nhài như sau:
Ngoại cảm phát sốt
Hoa nhài 6 g, chè xanh 10 g, thảo quả 3g. Tất cả đem sắc uống.
Đau mắt
Hoa nhài 6 g, đun sôi lấy nước uống và xông
Hoai nhài 6 g, kim ngân hoa và hoa cúc trắng mỗi vị 9 g. Tất cả đem đun sôi với nước để uống và xông.
Lá nhài giã vắt lấy nước, trộn cùng lòng trắng trứng gà để đắp lên mắt.
Mất ngủ
Dùng từ 1 đến 1,5 g rễ nhài nghiền trong nước để uống.
Rôm sảy
Lá nhài vò vào nước để tắm, có thể kết hợp cùng lá ngải cứu.
Đau bụng tiêu chảy
Hoa nhài tươi 6 g (hoặc 3 g hoa khô), hậu phác 6 g, mộc hương 9 g, sơn tra 30 g. Tất cả đem sắc nước uống.
Gãy xương, đau nhức
Rễ nhài, rễ sồi, tất cả bóc lấy vỏ rửa sạch, dùng kèm với lá cà độc dược, mỗi thứ một nắm, giã nhỏ, chế với giấm xào nóng, bó rịt vào chỗ đau.