Theo Tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam, đỗ quyên còn gọi là đỗ quyên đỏ. Tên khoa học là Rhododendron simsii Planch, thuộc họ đỗ quyên Ericaceae.
Đỗ quyên là dạng cây bụi rụng lá, cao khoảng 2 m, phân cành nhiều, nhánh nhỏ mọc đứng, có vỏ màu xám đen. Lá mỏng, dạng bầu dục hay hình trứng ngược, mùa xuân lá ngắn hơn mùa hè. Kích thước trung bình của lá dài khoảng 3 đến 5 cm, rộng từ 2 đến 3 cm, đầu nhọn có múi, gốc hình nêm, mặt trên có lông thưa, mặt dưới có lông dày. Cuống lá dài từ 3 đến 5 mm, đầy lông.
Hoa đỗ quyên xếp thành tán từ 2 đến 6 đóa ở cành ngọn. Đài hoa dài 4 mm, có 5 thùy, nhiều lông tơ. Tràng hoa màu hồng hoặc đỏ tươi, đỏ thẫm, hình phễu rộng, dài từ 4 đến 5 cm, có 5 thùy. Có 10 nhị, bầu có lông thô. Vòi nhụy không có lông, Quả nang hình trứng tròn, dài khoảng 8 mm, đầy lông thô.
Cây này mọc trong rừng. Ra hoa từ tháng 2 đến tháng 4, quả chín từ tháng 8 đến 10. Đỗ quyên được tìm thấy nhiều ở Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Kon Tum. Một số nước khác như Trung Quốc, Lào cũng có.
Đông y dùng hoa, lá, rễ, hạt đỗ quyên làm thuốc. Hoa thu hái vào mùa xuân, lá vào mùa hè thu, rễ quanh năm. Dùng tươi hoặc phơi khô..
Hoa đỗ quyên có vị chua, ngọt, tính ấm, tác dụng hòa huyết, điều kinh, khư phong thấp. Rễ có vị chua, ngọt, tính ấm, tác dụng hòa huyết chỉ huyết, khư phong chỉ thống. Lá vị chua, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chỉ huyết.
Người ta dùng hoa, quả, rễ đỗ quyên trị bệnh phụ khoa. Chẳng hạn như kinh nguyệt không đều, bế kinh, băng lậu. Ngoài ra còn trị phong thấp sưng đau, trĩ xuất huyết, đòn ngã tổn thương, thổ huyết, chảy máu mũi. Lá trị mụn nhọt sưng lở, ngoại thương xuất huyết, mày đay (hay mề đay).
Phân tích thành phần dược lý cho thấy lá đỗ quyên chứa flavonoid, rhodotoxin và sparassel. Hoa chứa rhodomollin III, caroten-5,6-epoxid, lutein, gossypetin-6-galactosid, lycopen và 2 chất độc andromedotoxin, ericolin. Quả chứa rhododendrotoxin I, II, rhodojaponin I, andromedotoxin, ericolin, sparassol. Toàn cây có 3 diterpen là rhodomolein I, II, III.
Đỗ quyên giúp giảm đau, tác dụng đối với hệ tim mạch, làm giảm nhịp tim, hạ huyết áp. Hoa rất độc với côn trùng và cũng độc với người. Do vậy để chữa bệnh cần dùng đúng liều lượng khuyến cáo. Rễ và lá không có tác dụng diệt côn trùng.
Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc hay từ cây đỗ quyên như sau:
Đòn ngã buốt đau
Lấy 10 g hạt đỗ quyên rang giòn, tán thành bột. Mỗi lần uống 1,5 g với nước gạo hoặc rượu trắng.
Vết thương ngoài mắt sưng đỏ
Dùng một lượng vừa đủ hoa và lá đỗ quyên non. Rửa sạch, giã nát, thêm chút sữa người, dùng để đắp ngoài chỗ đau.
Ngoại thương xuất huyết
Lấy một lượng vừa đủ hoa, lá đỗ quyên tươi, giã nát đắp ngoài vết thương.
Mề đay (mày đay)
Dùng một lượng vừa đủ hoa, lá đỗ quyên tươi cùng với vị thuốc ké đầu ngựa, thiên lý quang. Tất cả đem sắc lấy nước để rửa ngoài vùng da nổi mày đay.
Kinh nguyệt không đều, nước kinh trong đặc, lưng bụng đau buốt
Rễ đỗ quyên, hải kim sa, mỗi loại 30 g. Ô dược 15 g. Tất cả đem sắc nước uống trước kỳ kinh 5 ngày. Uống liên tục trong 3 đến 5 ngày. Mỗi ngày chỉ dùng một thang.
Bạch đới
Rễ đỗ quyên, rễ hàm ếch, mỗi loại đều 15 g. Tất cả đem sắc nước, bỏ bã để uống. Dùng nước thịt lợn luộc uống với thuốc. Mỗi ngày dùng một thang, liên tục trong 3 đến 5 ngày.