Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/9 có bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Giới chuyên gia nhận định đây là bài phát biểu mang "đậm chất Trump", "gây hoang mang" và có nhiều nét "không thực tế", theo Independent.
'Chất Trump'
Trump bám sát những dòng phát biểu được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Những chủ đề chính ông đề cập bao gồm chính sách "Nước Mỹ trước tiên", Triều Tiên và Iran.
Thông điệp xuyên suốt người đứng đầu Nhà Trắng truyền tới đại diện các nước có mặt trong phiên họp cũng chính là mục tiêu cốt lõi ông theo đuổi: "Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên trước tiên, giống như các bạn, với tư cách lãnh đạo quốc gia, sẽ luôn luôn và nên luôn luôn đặt đất nước của các bạn lên trước tiên".
Theo cây bút Stephen Collinson từ CNN, chưa tổng thống Mỹ nào từng phát biểu trước thế giới như cách ông Trump làm, cũng như chưa một tổng thống Mỹ nào từng đứng trước hội đồng Liên Hợp Quốc và đe dọa xóa sổ một quốc gia khỏi Trái Đất, trong trường hợp này là Triều Tiên.
Bằng giọng điệu đầy thách thức, mang tính dân tộc chủ nghĩa và hiếu chiến vốn rất quen thuộc ở ông, Tổng thống Trump đã phá vỡ các quy tắc chính trị Mỹ, đồng thời phát đi tín hiệu về một nỗ lực nhằm thay đổi vai trò của Washington trên trường quốc tế và hệ thống toàn cầu, Collinson nhận xét.
Dù tất cả các chuyên gia được Independent phỏng vấn đều đồng tình rằng bài phát biểu khá hùng hồn, mang đậm dấu ấn Trump, ông Richard Gowan, chuyên gia về Liên Hợp Quốc tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu đánh giá nó giống như một bài hùng biện "khoa trương, trùng lặp" hơn là một bài phát biểu "rành mạch về mặt ý tứ". Cụm từ "chủ quyền" được lặp lại ít nhất 18 lần trong suốt 40 phút ông Trump đứng trên bục phát biểu.
Theo Gowan, bài diễn văn dường như chủ yếu nhằm xoa dịu các tiếng nói ủng hộ chủ chốt của Trump, những người lâu nay vẫn bị thu hút bởi các phát ngôn mà Tổng thống Mỹ đưa ra, cáo buộc Liên Hợp Quốc chỉ toàn những "kẻ trưởng giả" và "không khác gì một câu lạc bộ để người ta tụ tập, nói chuyện, dành thời gian vui vẻ".
TJ Pempel, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California-Berkeley, đồng tình với Gowan và thêm rằng bài phát biểu không giúp ích trong việc giảm nhẹ những mối đe dọa toàn cầu.
Hiếu chiến
Trump cảnh báo Mỹ có thể phải 'hủy diệt hoàn toàn' Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ dành nhiều thời lượng trong bài phát biểu đề cập tới hai quốc gia đặc biệt: Triều Tiên và Iran. Ông lần lượt gọi họ là một "chế độ suy đồi" và một "chế độ tàn sát".
Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 và phóng tên lửa qua Nhật Bản, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất từ trước tới nay lên Bình Nhưỡng.
Hôm qua, ông Trump tuyên bố nếu Triều Tiên không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân hay từ bỏ ý định tấn công Mỹ và đồng minh, Mỹ "không còn cách nào khác ngoài hủy diệt Triều Tiên". Tổng thống Mỹ khẳng định lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "đang tham gia vào một nhiệm vụ tự sát".
Theo tiến sĩ Stephen Saideman, chuyên gia tại Đại học Carleton, Canada, những phát biểu trên không cho thấy bất kỳ thay đổi nào trong chiến lược mà Tổng thống Mỹ theo đuổi để xử lý khủng hoảng Triều Tiên.
Tuy nhiên, bà Akshaya Kumar, phó giám đốc phụ trách về Liên Hợp Quốc thuộc Tổ chức Giám sát Nhân Quyền, tỏ ra lo lắng. Chiến tranh với Triều Tiên sẽ là "một phản ứng cực kỳ thiếu hợp lý khi ta trừng phạt dân thường vô tội Triều Tiên vì hành động của chính quyền họ", bà nói.
Ông Pempel cho rằng với tuyên bố hùng hồn "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên", bài phát biểu của Tổng thống Trump "tốt cho truyền thông" nhưng không thực sự phục vụ mục đích quan trọng hơn là giải trừ những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Trong tuyên bố, có thể nhằm ám chỉ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của Triều Tiên, ông Trump cho rằng: "Thật là một điều xúc phạm khi một số quốc gia không chỉ giao thương với chế độ này mà còn cung cấp vũ khí, hỗ trợ và hậu thuẫn tài chính cho một đất nước đẩy thế giới vào tình trạng nguy hiểm bằng xung đột hạt nhân".
Neil Bhatiya, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, đánh giá với ý tứ trên, Trump cho thấy ông đang làm ngơ trước "sự cần thiết của việc phối hợp với Bắc Kinh nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng".
"Các biện pháp trừng phạt mới áp đặt lên Triều Tiên có khả năng gây thiệt hại tài chính đáng kể cho những công ty Trung Quốc, từ đó tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng rộng hơn tới kinh tế toàn cầu, ví dụ nếu Mỹ nhắm tới trừng phạt những ngân hàng lớn của Trung Quốc giao dịch với Triều Tiên", Bhatiya nói. Vậy nên, bất kỳ biện pháp nào cũng cần được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ cùng các bên có tác động quan trọng như Trung Quốc.
Theo ông, những ngôn từ Tổng thống Trump sử dụng trong bài phát biểu không đóng góp nhiều trong việc thuyết phục Trung Quốc và Nga hợp tác. "Đã đến lúc hối thúc Trung Quốc và gửi thông điệp tới Triều Tiên về tinh thần sẵn sàng đối thoại", Bhatiya bình luận.
Thay vào đó, bài phát biểu giúp trấn an Nhật Bản, nước đang lo âu rằng Mỹ sẽ bỏ rơi họ để "đến gần hơn" với Trung Quốc. Nhưng nó lại dồn đồng minh Hàn Quốc vào "thế khó". Hàn Quốc, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Moon Jae-in, muốn tăng cường đối thoại với Triều Tiên để giải quyết hòa bình xung đột, song Tổng thống Donald Trump dường như lại đang đẩy Triều Tiên tới bên bờ vực chiến tranh thông qua những phát ngôn cứng rắn, hiếu chiến, Pempel nhận xét.
Ngoài ra, theo ông Gowan, phần "gây lo âu nhất" trong bài phát biểu của ông Trump hôm qua có lẽ là về Iran.
Tổng thống Mỹ nói thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký năm 2015 nhằm hạn chế và giảm khuôn khổ chương trình hạt nhân của nước này, là một "điều xấu hổ" đối với Mỹ.
Elizabeth Rosenberg, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhận định ít nhất thì những phát ngôn của Tổng thống Trump về Iran "vẫn nhất quán" và nó "càng củng cố hơn những suy đoán về việc ông đang lên kế hoạch hành động để làm suy yếu bản thỏa thuận".
Biểu lộ lạnh tanh của các quan chức thế giới khi Trump phát biểu. Video: CNN
Trước thời điểm ông Trump phát biểu, một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho hay mục tiêu Tổng thống Mỹ hướng tới là nhằm "cách ly sự khốn khổ của người Iran khỏi chính quyền Iran".
Song theo Gowan, "ý tưởng người Iran sẽ đứng lên chống lại chính phủ của mình chỉ vì ông Trump đưa ra một bài phát biểu hùng hồn ở Liên Hợp Quốc thực sự là điều hoang tưởng".
Theo tiến sĩ Aniseh Bassiri Tabrizi, nhà nghiên cứu tại Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh về Quốc phòng và An ninh, khi Tổng thống Trump gọi thỏa thuận hạt nhân Iran là "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất được thực hiện", ông đã thể hiện sự coi thường tất cả những đối tác từng nỗ lực để xây dựng nên nó từ thời chính quyền Barack Obama và George. W. Bush.
Tổng thống Mỹ còn "phớt lờ mong muốn từ dân chúng Iran, những người đã bầu lên tổng thống hiện nay của họ hai lần vì tin rằng một thỏa thuận hạt nhân sẽ là con đường tốt nhất để cải thiện cuộc sống" bởi họ đã được dỡ bỏ trừng phạt, Tabrizi nói.
Nhìn chung, theo Independent, ngoại trừ Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu ca ngợi bài phát biểu của Tổng thống Trump, hầu hết lãnh đạo thế giới đều đồng tình với Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom rằng "đây là một bài phát biểu không đúng đắn, đưa ra sai thời điểm và sai cả khán giả".
Vũ Hoàng