"Mỹ có sức mạnh và sự kiên nhẫn lớn lao, nhưng nếu bị buộc phải bảo vệ bản thân hoặc các đồng minh, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào ngoại trừ huỷ diệt hoàn toàn Triều Tiên", AFP dẫn lời Tổng thống Trump hôm nay nói trong bài phát biểu đầu tiên của ông tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
"Người Tên lửa đang trong một nhiệm vụ tự sát với ông và chế độ của ông", ông Trump nói, đề cập đến biệt danh mới ông dành cho lãnh đạo Kim Jong-un. "Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng và có thể, nhưng hy vọng điều này sẽ không cần thiết".
Những tiếng xì xào rộ lên khắp khán phòng Đại Hội đồng khi ông Trump phát lời cảnh báo cứng rắn nhất với Triều Tiên, theo Reuters. Các vụ phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân của nước này làm thế giới lo sợ.
Một nhà ngoại giao Triều Tiên vẫn ngồi tại hàng ghế đầu của phái đoàn trong bài phát biểu của ông Trump, phái đoàn của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc cho biết. Phái đoàn từ chối bình luận ngay lập tức về bài phát biểu của ông.
Trong lần đầu tiên xuất hiện tại cuộc họp thường niên của các lãnh đạo thế giới, Tổng thống Mỹ sử dụng bài phát biểu dài 41 phút còn để nhắm vào tham vọng hạt nhân Iran, sự ảnh hưởng trong khu vực, nền dân chủ ở Venezuela và mối đe doạ của những kẻ Hồi giáo cực đoan. Ông cũng chỉ trích chính phủ Cuba.
Nhưng ngôn từ mạnh mẽ nhất nhằm vào Triều Tiên. Ông hối thúc các nước thành viên Liên Hợp Quốc phối hợp để cô lập chính quyền ông Kim cho tới khi nước này chấm dứt hành vi "thù địch".
Ông cho rằng việc Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo "đe doạ toàn bộ thế giới bằng cái giá không thể tưởng tượng nổi của mạng sống con người".
Trong tuyên bố có thể nhằm ám chỉ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của Triều Tiên, ông Trump cho rằng: "Thật là một điều xúc phạm khi một số nước không chỉ giao thương với chế độ này mà còn cung cấp vũ khí, hỗ trợ và hậu thuẫn tài chính cho một đất nước đẩy thế giới vào tình trạng nguy hiểm bằng xung đột hạt nhân".
Ông Trump cũng không đề cập đích danh Nga hay Trung Quốc, nhưng có bình luận rõ ràng nhằm vào Moscow và Bắc Kinh, theo AFP. Ông cho rằng phải loại bỏ những mối đe doạ đến chủ quyền, từ Ukraine tới Biển Đông. "Chúng ta phải duy trì ủng hộ luật pháp, tôn trọng các biên giới và tôn trọng văn hoá, và sự can dự hoà bình mà những điều này cho phép".
Ông Trump, người bước vào Nhà Trắng cách đây 8 tháng, cũng nói với các lãnh đạo thế giới tại tổ chức toàn cầu gồm 193 thành viên rằng Mỹ không tìm cách áp đặt ý chí của mình lên các nước khác và sẽ tôn trọng chủ quyền các nước. "Tôi sẽ bảo vệ lợi ích của Mỹ trên tất cả", ông nói. "Nhưng khi thực hiện nghĩa vụ với các nước khác, chúng tôi cũng nhận thấy tất cả các bên đều có lợi ích khi tìm kiếm một tương lai, trong đó tất cả các nước có chủ quyền, thịnh vượng và an toàn".
Bài phát biểu nhận được phản ứng trái chiều từ các lãnh đạo thế giới. Ngoại trưởng Thuỵ Điển Margot Wallstrom khoanh tay trong bài phát biểu. "Đây là bài phát biểu sai lầm, sai lầm về thời điểm và sai lầm về đối tượng khán giả", bà Wallstrom sau đó nói với BBC.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đăng thông điệp trên Twitter: "Bài phát biểu đầy hận thù xuẩn ngốc của ông Trump thuộc về thời Trung cổ, không phải tại Liên Hợp Quốc vào thế kỷ 21, nó không đáng để đáp lại".
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng phái đoàn vỗ tay hoan hô bài phát biểu. Ông Netanyahu ca ngợi đây là bài diễn văn "táo bạo và dũng cảm nhất" ông từng nghe tại cuộc họp thường niên của các lãnh đạo và nhà ngoại giao thế giới.
Trọng Giáp