Đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnieper, thuộc khu vực Nga kiểm soát ở tỉnh Kherson, bị phá hủy một phần sau vụ nổ ngày 6/6, khiến 18 tỷ mét khối nước tràn xuống các thị trấn và khu vực đất canh tác ở hạ lưu, buộc hàng nghìn dân thường phải sơ tán. Nga và Ukraine đều cho rằng đây là cuộc tấn công có chủ ý và quy trách nhiệm lẫn nhau.
Thảm họa vỡ đập xảy ra đúng thời điểm Ukraine chuẩn bị phát động chiến dịch phản công mùa xuân được mong đợi từ lâu và tiềm ẩn làm phức tạp thêm bước tiến của lực lượng nước này, dù Kiev chưa tiết lộ kế hoạch tấn công theo hướng nào, giới chuyên gia cho hay.
"Hãy nhớ rằng Nga đang ở thế phòng thủ chiến lược và Ukraine đang ở thế tấn công, nên trong ngắn hạn, vụ vỡ đập chắc chắn là một lợi thế cho Nga", Ben Barry, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trụ sở tại London, Anh, nhận xét. "Người Nga sẽ có được lợi thế cho đến khi nước rút, bởi tình hình thực địa sẽ khiến Ukraine gặp khó khăn hơn khi tấn công qua sông".
Natalia Humeniuk, phát ngôn viên bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine, cáo buộc lực lượng Nga đã cài thuốc nổ phá con đập nhằm ngăn cản "chiến dịch vượt sông Dnieper mà họ lo sợ". Trợ lý Tổng thống Ukraine Mykhaylo Podolyak cũng cho rằng lực lượng Nga phá hủy đập để "gây trở ngại cho cuộc phản công của lực lượng vũ trang Ukraine".
Sông Dnieper ngăn đôi vùng kiểm soát của Nga và Ukraine ở tỉnh Kherson. Quân đội Ukraine đang kiểm soát khu vực bờ tây của sông, còn bờ đông do lực lượng Nga chiếm giữ. Con sông này khá rộng và quân đội Ukraine có rất ít địa điểm thuận lợi có thể vượt sông để phản công.
Khi đập Kakhovka vỡ và sông Dnieper mở rộng ra nhiều lần, chiến dịch vượt sông sẽ gặp rất nhiều khó khăn hơn, theo Dan Sabbagh, chuyên gia quốc phòng và an ninh của Guardian. Các vị trí phòng thủ của Nga ở bờ đông sông đều được xây dựng ở nhiều điểm cao, giúp họ không bị ngập và có khả năng ngăn chặn lực lượng Ukraine vượt sông tốt hơn.
Maciej Matysiak, chuyên gia an ninh tại tổ chức tư vấn Stratpoints, cựu phó giám đốc cơ quan phản gián quân đội Ba Lan, cho rằng nước lũ tràn vào khu vực sẽ ngăn cản việc sử dụng vũ khí hạng nặng như xe tăng trong ít nhất một tháng.
"Nó tạo ra một vị trí phòng thủ rất tốt cho Nga, những người đang chờ đợi cuộc phản công của Ukraine", ông nói thêm.
Theo Nico Lange, chuyên gia tại Diễn đàn An ninh Munich, việc phá hủy con đập có thể giúp Nga có thêm thời gian để sắp xếp lại hệ thống phòng thủ, đồng thời tước đi một số lựa chọn cho cuộc phản công dự kiến của Ukraine. Phương án băng qua sông Dnieper rộng lớn dọc theo mặt trận tại Kherson giờ đây sẽ trở nên bất khả thi.
Kiev vẫn giữ kín về nơi họ sẽ tập trung phản công, nhưng các chuyên gia quân sự từ lâu cho rằng một trong những mục tiêu chính của họ là cắt đứt hành lang trên đất liền nối Nga với bán đảo Crimea. Vụ vỡ đập sẽ cản trở đáng kể kế hoạch này.
Patricia Lewis, chuyên gia về an ninh quốc tế tại viện nghiên cứu Chatham House, Anh, đánh giá lợi ích tức thì với Nga sau vụ vỡ đập là họ có thể chặn đứng khả năng tấn công của Ukraine. "Trong trường hợp họ phải rút khỏi Kherson vì lý do nào đó, Ukraine sẽ phải tốn nhiều nguồn lực khắc phục hậu quả vụ vỡ đập", bà cho hay.
Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời các chuyên gia nước này cho hay con đập và nhà máy thủy điện Kakhova đã bị phá hủy hoàn toàn sau vụ nổ, khiến nó chỉ có thể "xây lại từ đầu" mà không có biện pháp nào có thể khắc phục.
Marina Miron, nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London, gọi sự việc là một "bước ngoặt" trong cuộc chiến, nhưng lưu ý rằng cả Nga và Ukraine đều có động cơ để làm nổ tung con đập.
"Đối với Nga, lý do làm điều đó rõ ràng là để ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine và buộc Kiev tập trung nguồn lực để sơ tán dân thường ở Kherson. Bên cạnh đó, nước lũ sau khi rút đi sẽ tạo nên các đầm lầy trong khu vực, khiến Ukraine không thể sử dụng lực lượng bộ binh cơ giới để tiến công", bà giải thích.
Với Ukraine, phá đập cũng có thể là cách để đánh lạc hướng quân đội Nga trong lúc họ chuẩn bị tiến hành phản công ở những hướng khác. Một lợi thế khác đối với Kiev là lũ lụt cũng có thể cuốn trôi các công sự và bãi mìn do lực lượng Moskva thiết lập trong khu vực.
Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy lực lượng Nga tại các phòng tuyến ven bờ đông sông Dnieper đã phải từ bỏ trận địa để rút đến nơi cao hơn khi nước lũ dâng bất ngờ. Nga nhiều khả năng cũng phải bỏ lại một số khí tài hạng nặng ở khu vực trũng thấp.
Giới chức Nga cho hay lũ lụt đã nhấn chìm các ngôi làng và thị trấn xung quanh thành phố Kherson, cảnh báo rằng con kênh chính cung cấp nước cho bán đảo Crimea đang nhận được ít nước hơn.
Thiệt hại đối với môi trường và ngành nông nghiệp Ukraine, một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, cũng có thể rất nghiêm trọng, gây thêm căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá lúa mì đã tăng hơn 3% vào ngày 6/6, sau khi vụ vỡ đập xảy ra.
"Vụ vỡ đập sẽ tác động tới chúng ta không chỉ vài tuần hay vài tháng mà trong thời gian rất dài", Bộ trưởng Môi trường Ukraine Ruslan Strilets cho biết, thêm rằng ít nhất 150 tấn dầu từ nhà máy thủy điện đã rò rỉ vào sông Dnieper, gây thiệt hại về môi trường ước tính khoảng 54 triệu USD.
"Nó thực sự là một con đập rất lớn, một trong những hồ chứa lớn nhất thế giới", Mohammad Heidarzadeh, kỹ sư xây dựng tại Đại học Bath ở Anh, nói. "Dựa trên kinh nghiệm về các sự cố tương tự trên thế giới, một khu vực rất lớn sẽ bị ảnh hưởng và những vật liệu nguy hiểm phân tán khắp khu vực sẽ ảnh hưởng đến năng suất ngành nông nghiệp".
Heidarzadeh cho hay có thể phải mất nhiều năm mới dọn sạch được lượng bùn do nước lũ để lại tại hạ lưu Kherson.
Khi cả Nga lẫn Ukraine đều có một số lợi ích lẫn bất lợi nhất định từ vụ vỡ đập, giới phân tích cho rằng không nên vội vàng đổ lỗi cho bất kỳ bên nào hay quy kết vụ vỡ đập là kết quả của hành động cố ý.
Đập Kakhovka do lực lượng Nga kiểm soát, nhưng từ lâu không được tu bổ do chiến sự kéo dài, khiến kết cấu thân đập có thể dần suy yếu sau các cuộc giao tranh và tự vỡ.
"Còn quá sớm để đưa ra kết luận", Michael Kofman, giám đốc nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân, trụ sở ở Arlington, Mỹ, nói. "Rốt cuộc, về lâu dài, thảm họa này không có lợi cho ai cả".
Vũ Hoàng (Theo Reuters, WSJ)