Bắc Kinh ngày 10/8 tuyên bố áp lệnh trừng phạt nhắm vào 11 công dân Mỹ, gồm 6 nghị sĩ và 5 cá nhân, nhằm đáp trả việc Washington trước đó trừng phạt trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cùng 10 quan chức đặc khu và đại lục.
Các nhà lập pháp Mỹ bị Trung Quốc trừng phạt lần này gồm thượng nghị sĩ Ted Cruz, Marco Rubio, Patrick J. Toomey, Tom Cotton, Josh Hawley và hạ nghị sĩ Christopher H. Smith. 5 cá nhân bị trừng phạt gồm Giám đốc tổ chức Giám sát Nhân quyền Kenneth Roth, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ Freedom House Michael Abramowitz, Chủ tịch Quỹ Quốc gia về Dân chủ Carl Gershman, Chủ tịch Viện Dân chủ Quốc gia Derek Mitchell và Chủ tịch Viện Cộng hòa Quốc tế Daniel Twining.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Florida Marco Rubio. Ảnh: AFP.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố lệnh trừng phạt với các "cá nhân đã hành xử tệ hại trong các vấn đề liên quan đến Hong Kong" này được ban hành để "đáp trả những hành vi sai trái của Mỹ".
Tháng trước, Bắc Kinh cũng công bố lệnh trừng phạt Cruz, Rubio và các quan chức Mỹ khác sau khi Washington trừng phạt quan chức Trung Quốc vì cáo buộc "phân biệt đối xử" với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Theo bình luận viên Eva Dou và Anna Fifield từ Washington Post, các biện pháp trừng phạt mới nhất của Bắc Kinh chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng bởi rất ít các quan chức Mỹ nằm trong danh sách trên có khối tài sản lớn ở Trung Quốc.
Điều này cũng tương tự như việc Mỹ trừng phạt các quan chức Trung Quốc. Lạc Huệ Ninh, giám đốc Văn phòng Liên lạc của Bắc Kinh tại Hong Kong ngày 8/8 ra tuyên bố cho biết lệnh trừng phạt của Mỹ với ông là "vô ích" và mỉa mai rằng ông "có thể gửi 100 USD cho ông Trump để ông ấy đóng băng".
Tuy nhiên, nó cho thấy Trung Quốc dường như kiên quyết theo đuổi cách phản ứng đáp trả đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong một bài phân tích về cách phản ứng của Bắc Kinh với Washington trước khi những biện pháp trừng phạt mới được công bố, nhà nghiên cứu Adam Ni và Yun Jiang từ trang tin China Neican nhận định Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ với từng biện pháp từ phía chính quyền Trump là để tránh bị nhìn nhận bằng hình ảnh yếu đuối.
"Đòn ăn miếng trả miếng quyết liệt có nguy cơ khiến căng thẳng leo thang nhanh hơn nhưng ít nhất nó giúp truyền đi thông điệp nhất quán rằng Bắc Kinh sẵn sàng khiến Mỹ phải trả giá vì những hành động của họ. Vậy nên, Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ tiếp tục áp dụng cách tiếp cận ăn miếng trả miếng với Washington", hai nhà nghiên cứu từ China Neican viết.
Tuy nhiên, trong một bài xã luận đăng hôm 9/8, Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế trong các phản ứng với Washington. Tờ báo cho rằng chính phủ Trung Quốc không nên sa đà vào những biện pháp ăn miếng trả miếng chỉ để hơn thua với Mỹ. Theo họ, rất nhiều biện pháp mà chính quyền Trump đưa ra thực chất chỉ nằm trong chiến lược tranh cử của ông.
"Nếu chúng ta phớt lờ những hành động đó và đáp trả bằng sự chế nhạo thì chúng ta có thể nhận được nhiều sự ủng hộ quốc tế hơn là đối mặt trực diện", bài xã luận có đoạn.
Một động thái của Washington mà Trung Quốc chưa đáp trả là việc chính quyền Trump áp trừng phạt với TikTok và WeChat, một đòn giáng mạnh vào nền công nghiệp Internet của Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm qua chỉ trích hành động của Washington tại cùng cuộc họp báo mà ông công bố biện pháp trừng phạt nhằm vào 11 quan chức Mỹ, tuy nhiên ông không nói Trung Quốc sẽ phản ứng với vụ TikTok và WeChat như thế nào.
Trong cuộc họp báo ngày 10/8, thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany gọi biện pháp trừng phạt của Trung Quốc là "hành động vô ích và chỉ mang tính biểu tượng". Tuy nhiên, bà từ chối cho biết liệu Tổng thống Trump sẽ có động thái phản ứng hay không.
Khi được hỏi về các biện pháp trừng phạt mới nhất của Trung Quốc, Trump nói rằng "chúng tôi đã phản ứng theo rất nhiều cách".
"Chúng ta đã nói rất nhiều về Trung Quốc, chúng ta không nên nói về Trung Quốc nữa. Chúng ta đã đạt được thỏa thuận giai đoạn một và đó là một thỏa thuận tuyệt vời nhưng đột nhiên nó lại không mang nhiều ý nghĩa xét về tổng thể nhập khẩu", ông cho hay. "Họ lẽ ra không bao giờ cho phép những gì đã xảy ra với thế giới, bao gồm cả chúng ta".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, Bloomberg, WSJ)