8h ngày 12/7, anh Tuấn ở huyện Ba Vì, đang trên đường đi làm thì nhận được điện thoại từ một số lạ tự xưng là nhân viên tổng đài đường bộ ở thành phố Đà Nẵng đang hỗ trợ công an điều tra vụ án. Cô này thông báo, hơn một tháng trước người thuê ôtô 16 chỗ màu trắng của anh Tuấn gây tai nạn rồi bỏ chạy. Công an đã bắt được nghi phạm, phát hiện ra người này dính líu đến vụ án rửa tiền xuyên quốc gia, đề nghị anh Tuấn hợp tác điều tra.
"Nữ nhân viên tổng đài" liên tục đề nghị anh không được tắt máy và phải trả lời các câu hỏi để rà soát thông tin cho chính xác. Anh Tuấn đưa ra những nghi vấn, phủ nhận trách nhiệm liên quan như không làm dịch vụ cho thuê ôtô, không biết nghi phạm, chưa từng đến Đà Nẵng.
Cô gái liền chuyển máy cho một người khác xưng là trung uý Lê Thanh Tú, cán bộ cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng. "Trung uý giao thông" yêu cầu anh Tuấn chụp ảnh hai mặt chứng minh thư nhân dân gửi qua tài khoản Zalo vừa gửi lời mời kết bạn để xác minh lai lịch. Một phút sau khi làm theo yêu cầu, anh Tuấn liền nhận được giấy triệu tập và lệnh bắt có đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh thư do Công an Đà Nẵng ban hành.
"Đề nghị anh không được tắt máy, không tiết lộ thông tin vụ án cho người thân và phải làm theo các yêu cầu để chứng minh không phạm tội", người xưng danh công an nhiều lần lớn tiếng. Anh ta còn chuyển cuộc điện thoại cho một người xưng là đại tá công an để gây áp lực với anh Tuấn. Họ sau đó yêu cầu anh Tuấn kê khai các tài sản hiện có và nguồn thu nhập chính. Hai tay run lẩy bẩy, anh Tuấn tin là công an thật nên "khai hết".
"Khi tôi khai ra có hai cuốn sổ tiết kiệm, chúng yêu cầu chụp ảnh gửi qua Zalo để kiểm tra. Tôi cũng làm theo. Đầu bên kia tiếp tục yêu cầu phải giữ kín bí mật không nghi phạm bỏ trốn và tôi sẽ phải chịu trách nhiệm. Chúng đề nghị tôi cầm theo giấy, bút và hai cuốn sổ tiết kiệm ra ngân hàng tất toán. Tiền rút ra sẽ chuyển sang một tài khoản khác để cảnh sát kiểm tra và vài ngày sau sẽ tự động về tài khoản cũ, tiền lãi cũng không mất", anh Tuấn kể.
Giấu vợ con, anh Tuấn vội lấy xe máy chạy hơn 6 km đến ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ba Vì. Điện thoại anh để trong túi quần và vẫn kết nối với kẻ gian ở đầu bên kia. Vừa đến phòng giao dịch, anh đề nghị tất toán 660 triệu đồng ở hai cuốn sổ tiết kiệm.
Nhận thấy anh Tuấn có biểu hiện lo sợ khi giao dịch, chị Quách Thị Thúy Vân, phó phòng kế toán Agribank Ba Vì, sinh nghi vì nghĩ là mạo danh. Chị đề nghị khách tháo khẩu trang, ký tên vào sổ. Mọi thứ đều trùng khớp.
Vẫn thấy có gì đó không ổn khi sổ sắp tới thời hạn rút mà khách hàng lại tất toán, chị Vân tiếp tục trò chuyện để hỏi lý do và khéo léo đưa ra các cảnh báo về lừa đảo đã được niêm yết công khai tại quầy. Anh Tuấn vẫn đề nghị phải làm ngay. Sau một hồi được chị thuyết phục, anh Tuấn mới kể sự việc và nói điện thoại đang được kết nối.
"Tôi sau đó cầm điện thoại của anh Tuấn, tự xưng là vợ để nói chuyện. Ở đầu bên kia, chúng lớn tiếng đề nghị đưa lại máy cho anh Tuấn để nói chuyện. Chúng còn doạ sẽ bắt ngay anh Tuấn nhưng tôi không làm theo. Biết đã bị phát giác, chúng tắt máy", chị Vân nói.
Cuộc gọi kẻ gian liên lạc với anh Tuấn được gọi qua phần mềm giấu số nên nạn nhân chỉ có thể nhận cuộc gọi chứ không thể gọi lại. Hình thức lừa đảo giả mạo công an không mới nhưng thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều. Thông thường, kẻ gian thường hướng đến "con mồi" là phụ nữ nhẹ dạ cả tin, người thiếu hiểu biết.
Anh Tuấn cho biết ngay từ khi nhận điện thoại đã nghi đây là lừa đảo khi mình không liên quan. "Nhưng chúng đã rất chuyên nghiệp, liên tục đánh đòn tâm lý khiến tôi luống cuống, không biết cách xử lý, tin là thật công an thật", anh Tuấn nói.
* Tên nạn nhân đã thay đổi.