Giữa tháng 3, người phụ nữ ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, trình báo bị lừa mất 377 triệu đồng trong tài khoản. Chị khai quen một người nước ngoài qua thông qua ứng dụng Whatsapp (phần mềm nhắn tin trên nhiều nền tảng). Qua một thời gian nói chuyện, chị được người bạn chưa từng gặp mặt nhờ mua hộ nhà ở Việt Nam để thành lập công ty.
Kẻ giấu mặt sau đó ngỏ ý tặng quà để thể hiện tình cảm nên chị đồng ý và cung cấp địa chỉ nhà. Đầu tháng 3, người phụ nữ nhận được cuộc gọi từ người tự xưng nhân viên công ty chuyển phát giao gói quà từ nước ngoài chuyển về. Chị được yêu cầu nộp tiền để nhận.
Sau khi chuyển 377 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu, nạn nhân không nhận được quà nên phát hiện bị lừa.
Cũng trong tháng 3, một phụ nữ ở quận Hoàng Mai trình báo bị người giả danh công an lừa 620 triệu đồng. Bà khai chiều 19/3 bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại của người giới thiệu là nhân viên bưu điện, thông báo bà mở một thẻ ngân hàng có chi nhánh Đà Nẵng, hiện nợ hơn 38 triệu đồng.
5 phút sau khi phủ nhận, bà nhận cuộc gọi của người đàn ông tự giới thiệu là trung uý Nguyễn Hùng Sơn, công tác tại Công an thành phố Đà Nẵng. "Trung uý công an" thông báo bà đang liên quan tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia và gửi hình ảnh một lệnh bắt tạm giam qua tin nhắn điện thoại.
Sau khi yêu cầu cung cấp số tài khoản ngân hàng và mật khẩu tài khoản Internet Banking để phối hợp điều tra, kẻ này gửi cho nạn nhân 5 hình ảnh mã QR code, yêu cầu đăng nhập. Làm theo hướng dẫn, bà này bị rút mất 620 triệu đồng trong tài khoản. Hôm sau, nạn nhân mới phát hiện bị lừa khi kẻ này gọi điện lại yêu cầu bà rút nốt 200 triệu đồng từ sổ tiết kiệm ngân hàng để chuyển.
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học, Phó giám đốc Trung tâm An ninh phi truyền thống, cho rằng các thủ đoạn trên đều không mới. Kẻ tội phạm dùng các kỹ thuật công nghệ cao để truyền tải giọng nói qua mạng internet, "nhái" y hệt số điện thoại cơ quan tư pháp khiến nhiều người tin ngay là số của cơ quan có thẩm quyền. Một mặt, chúng chọn cách gọi điện, không gặp mặt trực tiếp để nạn nhân khó xác minh.
Tội phạm đã lợi dụng công nghệ cao để tìm hiểu kỹ lai lịch nạn nhân từ tên tuổi, gia đình, thói quen sinh hoạt, mối quan hệ xã hội và đặc biệt là nguồn tài sản. Chúng thường thông qua sơ hở của chính nạn nhân để thu thập thông tin qua theo dõi hoạt động trên mạng xã hội, hack tài khoản, tìm hiểu qua các mối quan hệ thân cận. Khi nắm rõ thông tin trên, chúng tiếp tục sàng lọc để tìm ra "con mồi".
Qua nhiều năm nghiên cứu, ông thấy rằng kẻ phạm tội thường nhắm đến ba nhóm nạn nhân chính. Thứ nhất, những người có lòng tham. Lợi dụng "điểm yếu" này, chúng sẽ giả danh một số tổ chức, gọi điện thoại mời nạn nhân tới nhận giải thưởng, quà tặng. Một cách nữa, chúng giả là người nước ngoài để nhắn tin làm quen, tạo sự thân mật sau đó nhờ tặng quà hoặc nhờ nhận hàng chuyển về Việt Nam và "kịch bản" sẽ tương tự như nạn nhân thứ nhất nêu trên.
Nhóm thứ hai là người già, phụ nữ tâm lý kém, những người thiếu va chạm xã hội, không hiểu biết pháp luật. Khi nhắm đến nhóm này, phạm tội sẽ tìm hiểu kỹ lai lịch sau đó giả danh cán bộ công an, toà án, viện kiểm sát gọi điện để đe doạ. Chúng sẽ vờ đang điều tra các vụ án có liên quan điểm yếu của nạn nhân, đề nghị chuyển tiền để phong toả, đảm bảo không bị mất. Tội phạm còn đánh trúng tâm lý là muốn che giấu khi yêu cầu không cung cấp thông tin cho người khác.
Có trường hợp kẻ gian nhằm vào bà lão có nhiều tiền tiết kiệm, con làm ăn xa lâu không liên lạc. Khi gọi điện thoại, chúng vờ là công an đang điều tra vụ án liên quan đến con nạn nhân, doạ tiền trong tài khoản là tiền phạm tội nên đề nghị cung cấp thông tin để điều tra.
Nhóm thứ ba, những người có tật xấu, quan hệ xã hội phức tạp ví dụ như đang có hành vi vi phạm pháp luật, ngoại tình, làm ăn gian dối. Bởi vậy khi có thông tin trong tay, chúng sẽ giả danh gọi điện thoại để đánh đúng điểm yếu này nên nạn nhân dễ dàng mắc bẫy.
Chuyên gia khuyên người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai. Một điều phải ghi nhớ là các cơ quan tư pháp không làm việc qua điện thoại. Kể cả trong trường hợp nhận được giấy triệu tập, lệnh khởi tố, yêu cầu chuyển tiền bạn cũng không tin mà phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan để hỏi cho rõ.
"Ví dụ, nhận được điện thoại đề nghị phong toả tài khoản để điều tra vụ án, các bạn hãy nói với chúng giữ máy để tôi gọi liên lạc với thủ trưởng cơ quan điều tra xem sao. Tôi đảm bảo chúng sẽ cúp máy, từ bỏ", ông Thìn nói.
Công an Hà Nội cũng cho hay cơ quan điều tra khi làm việc với công dân sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương. Người dân tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng theo yêu cầu từ các cuộc gọi lạ. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu tương tự nêu trên, người nghe cần trình báo ngay đến công an sở tại.