Khoảng 16h ngày 9/7, ông Thuận, trú xã Đức Giang, huyện Vũ Quang cùng vợ đến chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Đức Thọ tất toán hai sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng.
Quá trình làm thủ tục, chị Nga thấy ông Thuận tỏ vẻ lo lắng và tiếc nuối vì hai sổ tiết kiệm chưa đến kỳ hạn hưởng lãi những vẫn phải rút. Khi được hỏi, ông Thuận mở tin nhắn Facebook cho xem, nói con trai làm việc ở Nhật Bản nhờ "chốt một giao dịch trước 16h30".
Theo nội dung tin nhắn, hơn 14h cùng ngày, con trai nhắn bảo "có chuyện cần bàn". Anh trình bày một người bạn ở Nhật Bản mới nhận lương 50 triệu đồng, muốn chuyển về cho gia đình có việc gấp, nhưng phí quá cao nên anh nhận chuyển tiền cho bạn, cứ 10 triệu đồng thì lấy một triệu tiền lời phí chuyển. Nếu được, anh sẽ nhận tiền ở bên Nhật, sau đó gửi số tài khoản của gia đình bạn, nhờ ông Thuận ra ngân hàng chuyển hộ 50 triệu đồng. Ngày mai anh sẽ chuyển lại 55 triệu đồng cho bố, như vậy là gia đình lời được 5 triệu đồng.
Khi ông nhắn lại tỏ ý nghi ngờ "không hiểu mọi chuyện như thế nào", cậu con trai lập tức đáp "đã lỡ nhận tiền của bạn", sẽ gửi số tài khoản gia đình bạn để bố ra ngân hàng chuyển luôn để giúp họ kịp giải quyết công việc. Lão nông trả lời "không yên tâm" song vì con nên sẽ giúp. Sau đó, người con nhiều lần nhắn tin hối thúc bố làm sớm, nếu chậm sẽ hết giờ.
Nghi có dấu hiệu bất minh, chị Nga báo cấp trên. Chị phân tích với ông Thuận đây là số tiền lớn với đôi vợ chồng già nhưng không chuyển cho chính chủ mà "bắc cầu" qua một người khác nên rất đáng ngờ. Hơn nữa, theo quy định, với chuyển tiền liên ngân hàng, giao dịch phải chốt trước 16h30, sau thời gian này nhận tiền muộn hơn, nếu phát hiện ra dấu hiệu lừa đảo sẽ thu hồi được. Dòng tin nhắn hối thúc "chuyển chậm sẽ hết giờ", của con ông Thuận giống nhiều vụ lừa đảo mà ngân hàng từng ngăn chặn.
Chị Nga giải thích ông Thuận, những người lừa đảo qua mạng thường nhắm vào các gia đình có con đang làm việc ở nước ngoài, bởi nhiều bố mẹ cả tin khi con nhờ vả liên quan vấn đề kinh tế. Hơn nữa, cha con lại ở xa khó gọi điện thoại trực tiếp, kẻ gian sẽ có cơ hội bịa ra nhiều lý do để chỉ trao đổi qua mạng xã hội mà không bị lộ mặt hoặc giọng nói.
Ông Thuận chia sẻ khi đồng ý chuyển tiền cho con đã khá lo lắng nhưng không nhận ra bất thường. Hàng ngày, hai cha con trò chuyện qua video, nhưng hôm xảy ra sự việc chỉ nhắn tin. Ông gọi lại bằng video nhưng người nhận từ chối liên lạc.
Vợ ông nóng ruột vì chuyển số tiền lớn song lại không thể nói chuyện trực tiếp với con. Do ông đã quyết chuyển tiền cho con, bà đành nghe theo.
Sau khi giúp ông Thuận kiểm tra lại các đoạn hội thoại, chị Nga phát hiện có một tin nhắn từ người lạ nhưng lão nông chưa kịp xem, với nội dung: "Facebook của con bị ai lấy mất rồi. Có ai nhắn tin thì không phải là con".
Ông Thuận sau đó gọi video vào tài khoản mạng xã hội này và được gặp trực tiếp con trai. Cậu thông báo bị chiếm tài khoản Facebook nên mượn tài khoản của bạn nhắn và gọi về cho bố mẹ để cảnh giác nhưng không thấy hồi âm.
Sau cuộc trò chuyện với chị Nga, ông Thuận hiểu ra vấn đề nên hủy giao dịch, cám ơn nhân viên ngân hàng đã giúp mình không bị lừa số tiền lớn.
"Chồng làm công an nên tôi được anh chỉ cho một số nghiệp vụ nhận biết dấu hiệu lừa đảo", chị Nga chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thúy Phương, Phó giám đốc phụ trách chi nhánh Agribank Đức Thọ cho hay, đây là lần thứ 4 nhân viên đơn vị giúp người dân tránh được vụ lừa đảo dưới hình thức chiếm Facebook, đóng giả người thân lừa chuyển tiền.
Trưởng công an huyện Đức Thọ, thượng tá Nguyễn Văn Hải đánh giá cao sự cảnh giác của nhân viên ngân hàng. "Đơn vị đã phối hợp với Agribank Đức Thọ phá một số vụ án lừa đảo qua dữ liệu mà họ cung cấp", thượng tá Hải nói.