Báo cáo về bệnh nhân này được đăng hôm qua (1/4) trên tạp chí New England Journal of Medicine. Chức năng thận của người đàn ông này không thể hồi phục. Ông phải duy trì việc chạy thận nhân tạo, tiến sĩ Alejandra Mena-Gutierrez, Trung tâm y tế, Đại học Arkansas (Mỹ) - người điều trị cho bệnh nhân, viết trong báo cáo. Tiến sĩ nhấn mạnh, điều độ là điều quan trọng nhất cần lưu ý khi nói về thói quen uống trà.
"Chúng tôi không khuyên mọi người đừng uống trà. Nếu bạn khỏe mạnh và uống trà vừa phải, nó sẽ không gây hại gì cho thận của bạn", bác sĩ Mena-Gutierrez nói.
Tháng 5/2014, người đàn ông nói trên phải vào Bệnh viện Arkansas trong tình trạng mệt mỏi, đau nhức. Kết quả các xét nghiệm cho thấy nước tiểu của ông có nồng độ cao tinh thể canxi oxalat - các thành phần của sạn thận. Ông ta không có tiền sử gia đình về bệnh thận và trước đây cũng chưa từng có sạn thận. Để điều trị tình trạng suy thận của ông, các bác sĩ cho bệnh nhân chạy thận.
Bệnh nhân này nói với bác sĩ rằng ông đã uống 16 cốc trà đá mỗi ngày. Trà đen - trong nước trà đá mà ông ta đã uống - là một nguồn rất giàu oxalat, một thành phần góp phần gây các vấn đề về thận nếu tiêu thụ nhiều. Các bác sĩ kết luận rằng việc sử dụng quá mức oxalat trong trà đá ở bệnh nhân này dẫn tới suy thận là một quá trình diễn ra rất nhanh. Tình trạng của ông ta "không thể giải thích bởi các nguyên nhân nào khác", bác sĩ Mena-Gutierrez nói.
Theo báo cáo, trung bình một người ở Mỹ tiêu thụ khoảng 152-511 mg oxalat mỗi ngày. Mức này cao hơn 40-50 mg một ngày theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng và chế độ ăn uống Mỹ. Các nhà nghiên cứu cho biết, có khoảng 50-100 mg oxalat trong mỗi 100 ml nước trà đen. Với 16 cốc trà mỗi ngày, mức tiêu thụ oxalat của bệnh nhân là hơn 1500 mg - cao hơn mức nạp vào của một người trung bình khoảng 3-10 lần.
Trong một báo báo khác đăng tải năm 2013 trên tạp chí y khoa Anh New England Journal of Medicine, các nhà nghiên cứu đã mô tả một trường hợp bệnh hiếm gặp gọi là "nhiễm độc fluor ở xương". Bệnh nhân là một phụ nữ uống mỗi ngày một bình trà pha từ 100 túi trà, suốt trong 17 năm.
Ở trường hợp bệnh nhân này, bệnh xương của bà có khả năng do sử dụng quá nhiều fluor, một loại khoáng chất có trong trà và nước uống.
Vương Linh (theo Livescience.com)