Bốn ngày trước khi nhập viện, ông uống nhiều rượu, ăn kém, sốt, tiêu chảy ngày ba đến bốn lần. Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh nhân hôn mê, lơ mơ, mạch nhanh 110 lần/phút, huyết áp tụt 60/40 mmHg; SpO2 80%, thở nhanh 30 lần/phút. Các bác sĩ đặt ống nội khí quản, thở bóp bóng, truyền dịch, sử dụng vận mạch liều cao đồng thời chuyển bệnh nhân sang khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Lúc này, tình trạng người bệnh nguy kịch, nhiễm toan hóa máu (nồng độ axit trong dịch cơ thể) nặng nề, nhiễm khuẩn rất nặng, suy đa tạng, kali trong máu rất cao, nguy cơ tử vong.
Các bác sĩ tiến hành bù dịch kiềm và dịch đẳng trương, duy trì vận mạch liều cao, dùng thuốc kháng sinh kết hợp lợi tiểu, thở máy xâm nhập. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của người bệnh kém, huyết áp cải thiện chậm và không có nước tiểu. Các bác sĩ hội chẩn, quyết định lọc máu liên tục. Sau 8 giờ lọc máu, tình trạng toan kiềm của bệnh nhân cải thiện, cắt được vận mạch, bắt đầu có nước tiểu.
Sau hai ngày điều trị, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tình trạng nhiễm khuẩn giảm, huyết động ổn định. Hiện, bệnh nhân hết sốt, hết đi ngoài phân lỏng, huyết động ổn định, kiểm soát ổn đường máu, nhiễm khuẩn giảm sâu.
Lọc máu liên tục là phương pháp điều trị hiện đại trong hồi sức cấp cứu, cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, đặc biệt là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Phương pháp này còn hạn chế cơn bão cytokine, điều chỉnh tình trạng suy tạng.
Bệnh nhân được lọc máu càng sớm thì tỷ lệ sống càng cao. Thống kê cho thấy kỹ thuật lọc máu liên tục giúp cứu sống thêm 20-50% bệnh nhân nặng, giảm thời gian thở máy, giảm thời gian nằm viện. Tỷ lệ biến chứng do thở máy và nằm viện lâu cũng giảm, nhờ đó chi phí điều trị giảm đáng kể.
Ngoài ra, bác sĩ khuyến cáo không lạm dụng rượu, bia để giảm nguy cơ bệnh tật, nhất là người có bệnh lý liên quan đến đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì...
Thùy An