Người nhà cho biết ông uống rượu nhiều năm nay, mỗi ngày khoảng một lít và xơ gan do rượu. Sau khi kiểm tra, thăm khám, các bác sĩ khoa Tâm Thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chẩn đoán ông mắc bệnh Marchiafava Bignami, một thể bệnh tổn thương não do sử dụng rượu và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bác sĩ Nguyễn Thị Dung, khoa Tâm thần kinh - Cơ xương khớp, ngày 23/9, cho biết nhiều người tìm đến rượu bia để trốn tránh hoặc xoa dịu lo âu, căng thẳng hoặc chỉ để giết thời gian. Tuy nhiên, lạm dụng thức uống có cồn quá nhiều và kéo dài sẽ gây tổn hại lâu dài cho não.
Theo bác sĩ, rượu sau khi được hấp thụ qua đường tiêu hóa, sự chuyển hóa làm tăng lactat, tăng acetaldehyde. Khi uống với số lượng quá nhiều, gan không kịp sản xuất đủ lượng men để chuyển hóa acetaldehyde, gây ra tình trạng ứ đọng trong cơ thể và gây ngộ độc trực tiếp cho người bệnh. Triệu chứng nhẹ là đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, mất điều khiển hành vi, lời nói. Nặng hơn có thể là tình trạng tê yếu nửa người, nói khó, ngủ lịm, mất ý thức, co giật, hôn mê...
Trung bình mất khoảng một giờ để cơ thể phân hủy một đơn vị rượu. Thời gian này có thể sớm hay muộn hơn tùy theo tuổi, cân nặng... của người uống.
Ngoài bệnh Marchiafava Bignami, nghiện rượu có thể dẫn đến bệnh não Wernicke, teo não lan tỏa, thoái hóa chất trắng, loạn thần Korsakoff, bệnh não giả Pellagra, bệnh Myeline... Rượu là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Do đó, người dân hạn chế hoặc bỏ rượu bia để cuộc sống lành mạnh hơn, sức khỏe ổn định, tránh biến chứng nguy hiểm do rượu bia mang lại.
Sau hơn một tuần điều trị nội khoa, người bệnh hết nói khó, trình trạng đỡ tê tay đã cải thiện, được xuất viện.