Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) ở Nha Trang đầu tư trang trại nuôi ngựa để bào chế huyết thanh kháng nọc độc rắn. Hơn 10 năm qua, nơi đây sản xuất và đưa ra thị trường huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và rắn lục tre - loài rắn phổ biến và nhiều người bị chúng cắn phải nhập viện. Đây cũng là hai loại huyết thanh Việt Nam chủ động sản xuất nên đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết Viện đang nghiên cứu phát triển hai loại huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia bắc và chàm quạp. Hai loại này đã xong giai đoạn tạo được sản phẩm, đang thử nghiệm đánh giá trên động vật. Theo quy trình nghiên cứu vaccine và huyết thanh thông lệ quốc tế, hai loại này sau đó phải hoàn thành các nghiên cứu trên người, đánh giá, hoàn thiện hồ sơ và tiến tới xin được cấp phép. Dự kiến 1-2 năm nữa hai loại huyết thanh này được đưa ra thị trường.
"Nếu tính toán về kinh tế thì việc đầu tư, phát triển 4 loại kháng huyết thanh này là lỗ, nhưng có ý nghĩa cứu mạng người, phục vụ bệnh nhân nên Viện vẫn tập trung thời gian, công sức nghiên cứu, sản xuất", ông Thái chia sẻ với VnExpress.
Theo ông, quy trình sản xuất kháng huyết thanh khá tốn kém, trong khi đó để đầu tư nghiên cứu cho ra sản phẩm đã khó, duy trì được càng khó hơn. Có nhiều loại rắn Việt Nam chỉ gặp một vài trường hợp mỗi năm, đòi hỏi phải duy trì dây chuyền công nghệ lớn chỉ để sản xuất vài lọ huyết thanh. Trong khi đó, nếu số lượng dùng ít, các thủ tục tái cấp phép sẽ bị ảnh hưởng vì không đủ số lượng cần thiết để đánh giá hiệu quả, phản ứng phụ...
Huyết thanh là thuốc giải nọc độc rắn, chế phẩm chứa các globulin có khả năng trung hòa đặc hiệu nọc rắn tương ứng, lấy từ huyết thanh gia súc khỏe mạnh (ngựa, cừu, la, lừa) đã được miễn dịch với nọc rắn. Nạn nhân bị rắn cắn, nếu được sử dụng huyết thanh kháng nọc kịp thời sẽ trung hòa được ngay độc tố của nọc rắn, các cơ quan trong cơ thể nhờ đó không bị tàn phá. Thông thường, bệnh nhân được truyền huyết thanh giải độc sớm thì hiệu quả điều trị càng cao, khoảng 2-3 ngày có thể hồi phục.
Có hai loại huyết thanh là huyết thanh đơn giá (dùng giải nọc một loài rắn) và huyết thanh đa giá (giải nọc nhiều loài rắn). Trừ hai loại huyết thanh đơn giá do IVC sản xuất như trên, các loại huyết thanh còn lại đang được những bệnh viện sử dụng chủ yếu là đa giá và hàng nhập khẩu. Do đó, nguồn cung trong nước phụ thuộc vào nước ngoài, thường khan hiếm, thiếu hoặc không có.
Như huyết thanh giải nọc rắn cạp nia, theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, huyết thanh đa giá kháng độc rắn cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ đất vốn được nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên, từ khi Covid-19 bùng phát vào năm ngoái đến nay, nguồn cung cấp này chưa có hàng trở lại nên thị trường thiếu huyết thanh. Một bé gái 4 tuổi ở Phú Yên vừa qua đời sau 5 ngày bị rắn cạp nia cắn, do các bệnh viện không có huyết thanh giải độc rắn này.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết một số loài rắn như hổ lửa (còn gọi rắn hoa cổ đỏ hay rắn học trò), hổ mèo... hiện thị trường trong và ngoài nước chưa có huyết thanh kháng độc. Do đó, người bị các loài rắn này cắn rất dễ gặp nguy kịch, thậm chí tử vong. Năm ngoái, hai em bé qua đời tại Bệnh viện Nhi đồng 1 do bị rắn học trò cắn mà không có huyết thanh để giải độc. Khi ấy các bác sĩ đã liên hệ nhiều nước trên thế giới để tìm kiếm kháng huyết thanh cho hai cháu nhưng cũng không có. Hiện, chỉ viện nghiên cứu ở Nhật thử nghiệm huyết thanh kháng nọc rắn học trò, song chế phẩm vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa đủ thử nghiệm ba pha để đưa thành phẩm ra thị trường.
Nói về lý do ngành sản xuất huyết thanh chưa được chú trọng đầu tư, bác sĩ Hùng đồng tình với khó khăn của IVAC và cho rằng "việc sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn không đơn giản, phải trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm trước khi thành sản phẩm thương mại". Trong khi đó, số bệnh nhân bị rắn cắn ít hơn so với các bệnh thông thường khác, khiến nhà đầu tư e ngại bỏ ra lượng tiền lớn để nghiên cứu sản xuất huyết thanh.
Cùng quan điểm này, bác sĩ Phương nói muốn sản xuất kháng huyết thanh đòi hỏi đội ngũ nhân lực giỏi cũng như khả năng tài chính lớn. Ví dụ loài rắn học trò, nhu cầu sử dụng quá ít, trong khi thuốc nào cũng chỉ có thời hạn sử dụng nhất định, nếu không dùng phải bỏ đi. Những bệnh nhân bị rắn cạp nong, cạp nia cắn, không tiêm huyết thanh thì có thể thay thế bằng phương pháp hỗ trợ hô hấp, lọc máu, khả năng sống cao nên nhà sản xuất không mặn mà nghiên cứu.
Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến dược liệu, Cục Hậu cần Quân khu 9 (Trại rắn Đồng Tâm) ở Tiền Giang, nơi mỗi năm tiếp nhận 2.000 ca bị rắn cắn, vẫn chưa tự bào chế huyết thanh kháng nọc rắn. Nơi này chỉ nuôi rắn lấy nọc độc và cung cấp cho IVAC sản xuất kháng huyết thanh.
Một lý do khác khiến huyết thanh kháng nọc rắn chưa được nhiều nơi trên thế giới đầu tư nghiên cứu là hiệu quả của huyết thanh phụ thuộc vào loài rắn và tùy theo vùng địa lý mà chúng cư trú. Theo bác sĩ Hùng, thuốc điều trị các bệnh khác thì có thể sử dụng trên toàn cầu. Riêng huyết thanh kháng nọc rắn thì khác, có thể kháng nọc hiệu quả cho rắn ở nước này nhưng chưa chắc sử dụng hiệu quả với cùng loài rắn tại nước khác. Lý do là chất độc của cùng loài rắn song có thể khác nhau tùy thuộc vào thức ăn, đặc điểm của từng địa phương.
Nếu không có huyết thanh kháng nọc, ngày nay nhờ y học phát triển, người bị rắn cắn sẽ được bác sĩ điều trị triệu chứng với nhiều biện pháp. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết nếu bệnh nhân bị liệt cơ, khó thở, sẽ được hỗ trợ hô hấp sớm, dùng thuốc tăng cường sức cơ, chờ khoảng 1-2 tuần nọc rắn bán hủy tùy theo lượng nọc trong cơ thể nhiều hay ít. Bệnh nhân giảm tiểu cầu sẽ được truyền tiểu cầu, rối loạn đông máu sẽ được truyền máu và các chế phẩm máu. Trong trường hợp diễn tiến nặng, bác sĩ có thể chỉ định các kỹ thuật cao như lọc máu, thay huyết tương...
"Khi không có huyết thanh, thời gian chữa trị trung bình 7-14 ngày hoặc kéo dài hơn, chi phí cao hơn, có thể gặp nhiều biến chứng hơn", bác sĩ Hùng nói và cho rằng điều trị như vậy thường chỉ hiệu quả với bệnh nhân tới viện sớm, chưa rối loạn nhiều, lượng độc vào cơ thể bệnh nhân vừa phải. Việc trung hòa chất độc không thể chủ động như khi có huyết thanh kháng nọc.
Trong bối cảnh thiếu kháng huyết thanh, các bác sĩ chủ động tìm tòi, ứng dụng nhiều biện pháp chưa được ghi nhận trong các phác đồ điều trị. Từ năm 2020, Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ mới đối với người bị rắn hổ mang chúa cắn như hỗ trợ nhịp tim từ bên ngoài, lọc máu liên tục để loại trừ độc chất..., cứu sống một số bệnh nhân từng nguy kịch. Những ca cứu sống này được bệnh viện gửi thông tin đến Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như đăng tải trên các tạp chí về điều trị ngộ độc trên thế giới.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang liên kết một số nhà nghiên cứu, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, IVAC, xây dựng các quy trình để sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang trong nước. "Hy vọng thời gian tới sẽ chủ động được nguồn sản xuất huyết thanh tại Việt Nam", bác sĩ Hùng nói.
Các bác sĩ kỳ vọng Việt Nam sẽ có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn hoặc hợp tác nghiên cứu với các trung tâm trên thế giới để bảo vệ tính mạng bệnh nhân, dù nhu cầu không nhiều. "Như huyết thanh rắn học trò, kết quả thử nghiệm ở Nhật đang rất tốt, hy vọng Việt Nam có thể hợp tác nghiên cứu, sớm cho bệnh nhân dùng khi cần", bác sĩ Phương chia sẻ.
Lê Phương