"Bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, chúng tôi liên hệ bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 cũng không có huyết thanh kháng nọc độc loại rắn này nên không thể đưa bé chuyển viện được", bác sĩ Phạm Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Yên, ngày 23/5 chia sẻ và cho biết thêm bé mất sau 5 ngày bị rắn cạp nia cắn.
Trước đó, bé đang ngủ trong nhà thì bị rắn độc bò vào cắn. Khi nhập viện hôm 16/5, bé khó thở, phải thở máy. Trong 5 ngày điều trị tích cực, tình trạng bé nặng dần, suy gan thận, không đáp ứng thuốc hạ sốt, sau đó gia đình xin đưa bé về mất tại nhà.
Cạp nia thuộc họ rắn hổ, da màu đen xanh, có những khoang trắng đen rõ nét nối tiếp nhau. Loài rắn này phổ biến ở Việt Nam, sống hoang dại, là rắn độc. Nọc độc của rắn cạp nia có thể gây nhiễm độc thần kinh với các biểu hiện sụp mi mắt, nói đớ, nuốt nước miếng không được, khó thở và diễn tiến ngưng thở, tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Minh khuyến cáo thời điểm chuyển mùa các loại rắn (kể cả loài có độc) thường hay bò vào nhà. Các hộ dân, đặc biệt ở vùng nông thôn và miền núi, cần kiểm tra kỹ nhà cửa, bít các lỗ hổng để ngăn rắn, rết.
Huyết thanh kháng nọc rắn là thuốc giải nọc độc rắn, tức là chế phẩm chứa các globulin có khả năng trung hòa đặc hiệu nọc rắn tương ứng, lấy được từ huyết thanh gia súc khỏe mạnh (ngựa, cừu, la, lừa) đã được miễn dịch với nọc rắn.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, có hai loại huyết thanh nọc rắn là huyết thanh đơn giá (kháng một loại nọc rắn) và huyết thanh đa giá (điều trị chung cho rắn cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ đất). Loại huyết thanh nọc độc rắn cạp nia trước đây được nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên từ đợt Covid-19 bùng phát vào năm ngoái cho đến nay, nguồn cung cấp này chưa có hàng trở lại nên thị trường thiếu huyết thanh.
Bác sĩ Vũ Hiệp Phát, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết hiện một số loại rắn có độc như rắn lục tre, rắn hổ, chàm quặp... có huyết thanh kháng nọc độc. Nạn nhân bị các loài rắn độc này cắn vào viện được truyền huyết thanh giải độc ngay thì hiệu quả điều trị rất cao, chỉ khoảng 2-3 ngày là ổn định sức khỏe.
Trả lời VnExpress, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, nói rằng bệnh nhân bị rắn độc này cắn, khi không có huyết thanh thì phải phối hợp nhiều biện pháp điều trị triệu chứng như hỗ trợ thở máy, truyền chế phẩm đông máu, thay huyết tương..., thời gian chữa trị trung bình 7-14 ngày, chi phí cao hơn, có thể gặp nhiều biến chứng.
Đa số bệnh nhân bị nhiễm độc thần kinh, liệt, phải thở máy và chờ khoảng 1-2 tuần nọc rắn bán hủy tùy theo lượng nọc trong cơ thể nhiều hay ít. Bệnh nhân bị nhiễm độc toàn thân có thể phải chỉ định lọc máu. Hầu hết trường hợp vào viện sớm đều được cứu sống.
Theo các bác sĩ, hiện nay ngành nghiên cứu sản xuất huyết thanh kháng độc rắn chưa được Việt Nam chú trọng đầu tư. Lý do là ngành này đòi hỏi đội ngũ nhân lực cũng như khả năng tài chính lớn. Một loại huyết thanh trước khi thành sản phẩm thương mại phải trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm, chi phí rất lớn. Trong khi đó, nếu nhu cầu sử dụng quá ít, thuốc nào cũng chỉ có thời hạn sử dụng nhất định, nếu không dùng tới phải bỏ đi nên các nhà đầu tư e ngại bỏ ra lượng tiền lớn để nghiên cứu sản xuất kháng huyết thanh.
Bùi Toàn - Lê Phương