Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 800-1.000 ca rắn độc cắn, trong đó 7-10 ca bị rắn hoa cổ đỏ cắn (2-3 ca rất nặng). Tỷ lệ tử vong ca nặng cao hơn 50% vì không có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Trong khi đó, nhiều người cho rằng loài rắn không độc nên thường cho trẻ em nuôi chơi.
Trên thực tế, rắn hoa cổ đỏ đặc biệt ở chỗ răng chứa chất độc nằm sâu bên trong hàm chứ không phải ở răng nanh hay răng hàm phía trước như các loài rắn khác. Nhiều người bị rắn này cắn, song do chỉ bị răng bên ngoài, không chạm tới răng độc nên không nhiễm độc.
"Trường hợp bị con rắn cắn bằng chiếc răng chứa nọc độc nằm sâu bên trong thì sẽ nguy hiểm, song số không may mắn này không nhiều", bác sĩ Hùng nói. Khoảng chục năm nay, sau khi một số người bị rắn cắn nhiễm nọc độc, tử vong, rắn hoa cổ đỏ mới được xác định là nhóm "độc gây rối loạn đông máu".
Đến nay, Việt Nam chưa sản xuất được kháng huyết thanh độc rắn cổ đỏ. Các bác sĩ đã liên hệ đến nhiều nước trên thế giới để tìm kiếm kháng huyết thanh nhưng cũng không có. Hiện, chỉ viện nghiên cứu ở Nhật thử nghiệm kháng huyết thanh này, song chế phẩm vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa đủ thử nghiệm ba pha để đưa thành phẩm ra thị trường.
Theo bác sĩ Hùng, số bệnh nhân quá ít là điểm mấu chốt khiến nhà đầu tư e ngại bỏ ra lượng tiền lớn để nghiên cứu sản xuất kháng huyết thanh. Trong khi đó, việc sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn không đơn giản, phải trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm trước khi tạo thành sản phẩm thương mại.
Cùng quan điểm này, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng sản xuất kháng huyết thanh đòi hỏi đội ngũ nhân lực cũng như khả năng tài chính lớn. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng quá ít, thuốc nào cũng chỉ có thời hạn sử dụng nhất định, nếu không dùng tới phải bỏ đi.
Theo bác sĩ Phương, năm nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận hai trường hợp tử vong do rắn hoa cổ đỏ cắn là bé trai 3 tuổi và bé gái 15 tháng tuổi. Điều đau lòng là cả hai bệnh nhi vào viện tươi tỉnh bình thường, có thể ngồi chơi nói chuyện với bác sĩ, nhưng ai cũng biết trước rất khó cứu được tính mạng các bé. Những năm trước, bệnh viện tiếp nhận một vài trường hợp nhưng may mắn lượng nọc độc ít, không làm rối loạn đông máu quá nặng nên cứu được.
Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến dược liệu, Cục Hậu cần Quân khu 9 (Trại rắn Đồng Tâm) ở Tiền Giang, mỗi năm tiếp nhận 2.000 ca bị rắn cắn, trong đó chỉ 4-5 trường hợp do "rắn học trò". May mắn, đến nay chưa ghi nhận tử vong tại đây, theo ông Vũ Ngọc Lương, Phó giám đốc trung tâm.
Theo ông Lương, trung tâm vẫn chưa nuôi và nghiên cứu "rắn học trò" để bào chế huyết thanh. Loài rắn này ngoài tự nhiên không nhiều, không nằm trong sách đỏ, cũng như không có ý nghĩa chiết xuất thành những sản phẩm phục vụ cho sức khỏe con người. Trong khi đó, các loài rắn lục, rắn hổ mang, phổ biến hơn, đã nghiên cứu cơ bản.
Một lý do khác khiến huyết thanh kháng nọc rắn chưa được nhiều nơi trên thế giới đầu tư nghiên cứu còn do hiệu quả của huyết thanh phụ thuộc vào loài rắn và tùy theo vùng địa lý mà chúng cư trú. Theo bác sĩ Hùng, với những loại bệnh khác, thuốc có thể sử dụng trên toàn cầu. Riêng với rắn, chất độc của rắn có thể khác nhau tùy thuộc vào thức ăn, đặc điểm của từng địa phương. Một huyết thanh kháng nọc dành cho rắn nước này chưa chắc sử dụng hiệu quả ở loại rắn đó tại nước khác.
Theo bác sĩ Hùng, huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu cho từng loại rắn giúp cải thiện điều trị rất rõ rệt. Chẳng hạn, một người bị rắn cạp nong, cạp nia cắn gây liệt cơ hô hấp, dẫn đến suy hô hấp, nếu điều trị huyết thanh kháng nọc sớm thì khoảng 5 ngày có thể trở về cuộc sống bình thường, không có biến chứng. Ngược lại, nếu không có huyết thanh kháng nọc, bệnh nhân phải thở máy, tốn ít nhất khoảng 2-3 tuần cơ thể mới đào thảo được chất độc, trong thời gian đó có thể gặp nhiều biến chứng nhiễm trùng, biến chứng do thở máy, nằm viện lâu, chi phí nhiều...
"Huyết thanh kháng nọc giúp trung hòa được ngay độc tố của nọc rắn, sẽ không dẫn đến tàn phá các cơ quan trong cơ thể. Tùy lượng nọc vào cơ thể, sự tàn phá sẽ khác nhau", bác sĩ Hùng phân tích. Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ, nếu không có huyết thanh kháng nọc khống chế nọc độc phát tán, những tổn thương dễ lan rộng, suy đa tạng phủ, thời gian điều trị kéo dài, dễ biến chứng nặng nề.
Những bệnh nhân bị rắn cắn, nếu không có huyết thanh kháng nọc, bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng. Chẳng hạn, bệnh nhân giảm tiểu cầu sẽ được truyền tiểu cầu, rối loạn đông máu sẽ được truyền máu và các chế phẩm máu. Bệnh nhân khi rối loạn đông máu nhiều có thể dẫn tới các biến chứng như tạo các cục máu đông, các biến chứng làm rối loạn đông máu nặng nề, làm mô thiếu máu, làm suy thận, suy gan. Khi ấy, bác sĩ lọc máu lấy chất độc ra khỏi máu chứ không thể lấy được nọc rắn vì nọc rắn đi theo đường bạch huyết.
"Điều trị như vậy chỉ hiệu quả với một số bệnh nhân tới viện sớm, chưa rối loạn nhiều, lượng độc vào cơ thể bệnh nhân vừa phải, nếu lượng độc quá nhiều thì điều trị không hiệu quả", bác sĩ Hùng nói và cho rằng cách này rất thụ động, không thể chủ động trung hòa chất độc như khi có huyết thanh kháng nọc.
Rắn hoa cổ đỏ có đầu màu xanh, cổ đỏ, thân nhiều màu sặc sỡ, nên được dân gian gọi là rắn hổ lửa, rắn hổ hồng, rắn bảy màu, rắn học trò, nữ hoàng bóng đêm... Chúng là loài rắn có nọc độc, thường sinh sống ở ruộng lúa, vườn cây. Mùa mưa "rắn học trò" thường đi săn mồi vì thời điểm này ếch nhái sinh sôi nhiều. Hơn nữa trước mùa đông, chúng cần tăng cường đi kiếm ăn, tăng trọng lượng cơ thể chuẩn bị tích trữ mỡ và hạn chế ra ngoài khi trời lạnh. Rắn này không tự sinh ra nọc độc mà tổng hợp chất độc từ những con mồi có độc như cóc.
Chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên chơi với rắn. Rắn hoa cổ đỏ là loài rắn độc nên sử dụng tuyến độc để sinh tồn, tấn công con mồi. "Thậm chí rắn không có độc thì người dân cũng không nên cho trẻ nhỏ chơi hoặc nuôi như thú cưng", ông Lương lưu ý.
Các bác sĩ kỳ vọng dù nhu cầu không nhiều, nhưng sẽ có chính sách hỗ trợ sản xuất huyết thanh kháng nọc "rắn học trò" hoặc hợp tác nghiên cứu với các trung tâm trên thế giới để bảo vệ tính mạng bệnh nhân. "Kết quả thử nghiệm ở Nhật đang rất tốt, hy vọng Việt Nam có thể hợp tác nghiên cứu, sớm cho bệnh nhân dùng thử nghiệm khi cần", bác sĩ Phương chia sẻ.