Bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, cho biết ba lý do chính khiến việc tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em thời điểm này, nhất là tại TP HCM, trở nên cần thiết.
Thứ nhất, theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 trong tổng số F0 là gần 17%, trong đó nhóm 0-2 tuổi là 2,5%; 3-12 tuổi là 8,9%; 13-17 là 5,7%. Tỷ lệ trẻ tử vong thấp hơn người lớn, nhóm 0-2 tuổi là 0,19%; 3-12 tuổi là 0,06%; 13-17 tuổi là 0,09%; nhưng có trẻ phải cấp cứu, chăm sóc hồi sức tích cực như thở máy, lọc máu liên tục, ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể), thậm chí tử vong. Do đó, tiêm vaccine sẽ tạo ra hàng rào bảo vệ trẻ tối đa trước nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong.
Hai là khi mắc bệnh, trẻ không chỉ bị ảnh hưởng sức khỏe mà nguy cơ cao trở thành nguồn lây nhiễm, nhất là với người lớn tuổi, người có bệnh nền.
Thứ ba, hiện nay, TP HCM đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, độ bao phủ của vaccine ở người lớn khá cao, 99% đã tiêm mũi một, trên 76% đã tiêm mũi hai. Ở giai đoạn bình thường mới, trẻ sẽ đến trường đi học lại. Tuy nhiên, vì chưa được tiêm vaccine và hệ miễn dịch phát triển chưa toàn diện, trẻ trở thành "mồi ngon" của Covid-19.
Ngoài ra, để đạt được miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ tiêm chủng toàn dân phải đạt ít nhất trên 90%. Trong khi đó, người trên 18 tuổi tại TP HCM chiếm khoảng 74% tổng dân số, tiêm hết cho nhóm này thì cũng chưa đạt miễn dịch cộng đồng. Nếu tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, theo thống kê chiếm khoảng 10% tổng dân số TP HCM, thì tỷ lệ tiêm chủng được nâng lên gần 85% tiệm cận tỷ lệ lý tưởng để đạt miễn dịch cộng đồng, theo bác sĩ Nhàn.
"Việc tiêm chủng cho người lớn là điều kiện cần thì tiêm ngừa cho trẻ là điều kiện đủ để đạt miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường", bác sĩ Nhàn nói.
Ngày 14/10, Bộ Y tế đã cho phép tiêm vaccine Covid-19 trẻ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp. Trẻ 16-17 tuổi tiêm trước và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Việt Nam có khoảng 25 triệu trẻ em, riêng TP HCM có khoảng 1,8 triệu trẻ 5-18 tuổi.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng chiều 21/10 cho biết, thành phố xác định được 780.000 trẻ chủ yếu đang học trung học phổ thông và hơn 10.000 trẻ không đi học, hoặc học các ngành nghề khác thuộc nhóm ưu tiên tiêm chủng. Tất cả các em sẽ được tiêm vaccine, ngay sau khi Bộ Y tế phê duyệt loại vaccine và có hướng dẫn cụ thể.
Theo bác sĩ Nhàn, như khuyến cáo của nhà sản xuất thì hiện nay có ba loại vaccine có thể dùng để tiêm chủng cho trẻ em, gồm vaccine bất hoạt theo công nghệ truyền thống, mRNA thông tin và vaccine tiểu đơn vị. Hiện, châu Âu và Mỹ tiêm vaccine Pfizer (công nghệ mRNA) cho trẻ; Trung Quốc dùng vaccine nội địa là Vero Cell (công nghệ bất hoạt); Cuba, Venezuela dùng vaccine Abdala (công nghệ tiểu đơn vị). Một số nước có tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi cao là Pháp 68%, Italy 64%, Tây Ban Nha 80%; trên 90% trẻ từ 2 tuổi trở lên ở Trung Quốc đã được tiêm vaccine.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đang nghiên cứu để lựa chọn loại vaccine thích hợp, an toàn nhất cho trẻ cũng như phù hợp với tình hình dịch bệnh trong nước.
Lịch tiêm chủng ở trẻ em tương tự như người lớn, đều theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Với Pfizer, hai mũi cách nhau ít nhất 21 ngày; hai mũi Vero Cell cách 3-4 tuần; vaccine Abdala chích ba mũi, mỗi mũi cách nhau 14 ngày. Những trẻ đã từng mắc Covid-19 thì cần chờ 6 tháng, kể từ lúc phát hiện dương tính mới tiêm vaccine.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về khám sàng lọc trước tiêm chủng thì trẻ cũng chống chỉ định tiêm nếu dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vaccine, hoặc đã từng sốc phản vệ khi tiêm mũi một. Đặc biệt, những trẻ có bệnh nền, thừa cân béo phì càng cần được ưu tiên tiêm trước. Bác sĩ Nhàn lưu ý phụ huynh khi đưa con đi tiêm cần mang kèm hồ sơ bệnh lý của trẻ. Tùy tình trạng sức khỏe của trẻ, các bác sĩ sẽ cân nhắc đưa trẻ tới tiêm ở bệnh viện để đảm bảo an toàn.
"Giống như người lớn, và như khi tiêm các loại vaccine thông thường khác, trẻ sau tiêm vaccine Covid-19 có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn", bác sĩ Nhàn chia sẻ.
Ông phân tích, nguy cơ phản vệ thường xảy ra trong vòng 30 phút đầu tiên sau tiêm. Do đó, trẻ cần được ở lại điểm tiêm theo dõi sức khỏe trong thời gian này để được kịp thời xử trí. Sau đó, các phản ứng nghiêm trọng, rất hiếm gặp như buồn nôn, mệt mỏi, chóng mặt gần như không xảy ra. Các triệu chứng thường gặp như đau chỗ tiêm, tê dọc cánh tay, đau vai, sốt nhẹ, khó chịu có thể sẽ đến và biến mất trong vòng 24-48 giờ.
Riêng tác dụng phụ của vaccine Pfizer đối với trẻ em, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) nghiên cứu cho thấy có tình trạng viêm cơ tim, viêm ngoài màng tim trong 120 ngày hậu tiêm chủng. Trong một triệu liều tiêm thì khoảng 60 trẻ nam và 8-10 trẻ nữ gặp tình trạng này. May mắn, 90% ở mức độ nhẹ, bệnh thoáng qua và trẻ đều xuất viện hết, không có ca nặng đáng tiếc.
Nghiên cứu của CDC Mỹ cũng cho thấy cứ một triệu liều tiêm vaccine Pfizer ở trẻ nữ thì ngăn được 8.500 ca mắc bệnh và 180 trường hợp nhập viện, ngăn được 38 ca phải vào hồi sức tích cực (ICU) và một trường hợp tử vong. Tương tự, ở trẻ nam thì tỷ lệ bảo vệ khỏi mắc Covid-19 là 5.700 ca, ngăn được 218 ca nhập viện và một phần ba phải vào ICU, hai trường hợp tử vong.
"Lợi ích do vacicne tạo ra luôn vượt trội hơn nguy cơ", bác sĩ Nhàn khẳng định.
Thư Anh