Những ngày gần đây, nhiều F0 phải xếp hàng ở trạm y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, chờ test nhanh và xin giấy xác nhận mắc Covid-19. Người dân cho rằng cách làm này không hợp lý, nguy cơ lây nhiễm và có thể áp dụng hình thức khác linh hoạt hơn.
Trả lời báo chí chiều 23/2, đại diện lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt cho biết mời người dân đến trạm y tế để xét nghiệm nhằm "đảm bảo xác định đúng và khẳng định là F0". Nguyên nhân là người dân tự test nhanh khó đảm bảo đúng kỹ thuật nên không thể sử dụng kết quả dương tính mà họ cung cấp. Tuy nhiên, số lượng F0 tăng nhanh trong khi nhân lực của trạm y tế có hạn, nên công việc quá tải. Lãnh đạo phường Hoàng Liệt đã báo cáo lên cấp trên để yêu cầu được hỗ trợ nhân sự nhằm giảm tải.
Ông Lê Đức Thọ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai, cũng thừa nhận tình trạng quá tải ở các trạm y tế do lượng F0 tăng nhanh, trong khi mỗi trạm chỉ có 6-8 nhân viên. Thậm chí nhiều nhân viên y tế một số trạm cũng là F0, song vẫn tiếp tục hỗ trợ công việc.
Theo quy định của Bộ Y tế, các địa phương, trong đó có Hà Nội, sử dụng kết quả test nhanh để xác định ca nhiễm và khỏi Covid-19, bên cạnh xét nghiệm PCR (mang tính khẳng định). Test nhanh do nhân viên y tế hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế (trực tiếp hoặc gián tiếp) qua các phương tiện từ xa. Như vậy, để công nhận một người mắc hoặc khỏi Covid-19, có hai phương án là cán bộ y tế trực tiếp thực hiện hoặc giám sát từ xa người dân tự test.
Giấy công nhận là F0 hoặc đã khỏi bệnh dùng để hưởng trợ cấp ốm đau từ cơ quan và hưởng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, người dân cũng cần phường xác nhận, từ đó cung cấp mã số bệnh nhân để bệnh viện nhận điều trị trong trường hợp trở nặng.
Với quy định này, người dân cần được y tế địa phương công nhận là F0 mới được hưởng các chế độ chính sách liên quan. Tuy nhiên, theo ông Thọ, người dân gửi thông tin qua zalo hoặc email tới trạm y tế, thông tin chưa đầy đủ, đôi khi chỉ có một ảnh chụp và vài dòng thông tin cơ bản. Như vậy, cán bộ y tế không đủ căn cứ công nhận kết quả test nhanh.
"Mọi người cần gửi thông tin đầy đủ hơn, thông điệp rõ ràng, ví dụ quay video quá trình test, thay vì chỉ gửi một cái ảnh. Như vậy sẽ được xác nhận F0 ngay", ông nói.
Quận Hoàng Mai được hơn 120 sinh viên của trường Cao đẳng Y tế Hà Nội hỗ trợ từ cuối tháng 12/2021, song hiện vẫn quá tải. Ông Thọ mong người dân thông cảm và hỗ trợ nhân viên y tế để công việc được giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Hôm 22/2, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thừa nhận thực trạng người dân khó tiếp cận dịch vụ y tế cấp xã, phường. Nguyên nhân là áp lực lên đội ngũ y tế cơ sở lớn, có phường số F0 lên đến hàng nghìn trong khi nhân viên y tế chỉ có 8-10 người nên rất khó tránh "chuệch choạc" trong công tác hỗ trợ người dân.
Trong khi đó, một số phường như Mai Dịch (Cầu Giấy), hay Xuân Phương (Nam Từ Liêm), F0 chỉ cần chụp ảnh kết quả test nhanh hoặc quay quá trình xét nghiệm và hình ảnh hai vạch dương tính trên que thử, gửi đến Zalo của phường là được chứng thực F0.
Anh Huy, trú tại phường Phường Liên, quận Đống Đa, cho biết anh đến trạm y tế phường thông báo là F0 thì được cán bộ hướng dẫn viết đơn xin cách ly, đồng thời đưa giấy thông báo kết quả xét nghiệm nộp lại khi đã âm tính. "Tôi chỉ đến khai báo và phường ghi nhận, không phải test trước mặt nhân viên y tế hay gửi video gì", anh nói.
Đại diện các trung tâm y tế quận Hà Đông, Hai Bà Trưng, Đống Đa cũng cho biết đang linh hoạt áp dụng giữa những hình thức xét nghiệm. Người dân có thể gọi video trực tiếp cho nhân viên y tế xem quá trình test nhanh hoặc ra trạm y tế để nhân viên trực tiếp xét nghiệm.
Theo một chuyên gia dịch tễ, gọi F0 đến phường test nhanh là cách làm không cần thiết trong bối cảnh dịch bùng phát, nguy cơ lây nhiễm cao khi cả F0, F1 phải chen chân xếp hàng khai báo. Ngoài ra, thời tiết miền Bắc đang giá rét, F0 là người già hoặc trẻ em cần được giữ ấm, tránh bị lạnh khiến bệnh có thể chuyển nặng. Chuyên gia này khuyến cáo có thể sử dụng các hình thức như gửi video quay lại tiến trình xét nghiệm cho nhân viên y tế hoặc gửi ảnh xét nghiệm PCR có giá trị khẳng định.
Tính đến 18h ngày 22/2, Hà Nội ghi nhận 213.855 ca nhiễm trong đợt dịch 4 từ 27/4. Một tuần qua, số ca nhiễm cộng đồng ở Hà Nội tăng vọt. Bộ Y tế thống kê trong 7 ngày (tính đến 20/2), thủ đô tăng 10.986 ca nhiễm. Trong khi đó, cùng thời điểm vào tháng 1, số mắc cộng đồng chỉ tăng 3.509 ca, tức là thấp hơn gần ba lần.
* Tên nhân vật được thay đổi
Chi Lê - Thùy An