Số ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội tăng mạnh trong thời gian gần đây, trong đó chiều 21/2, CDC Hà Nội công bố số ca mắc trong 24 giờ lên tới 5.477 trường hợp, cao nhất từ trước đến nay.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, với việc thành phố mở lại toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như văn hóa, lễ hội, giải trí, thì số ca nhiễm cộng đồng tăng cao đã nằm trong dự báo.
"Mở cửa toàn bộ các hoạt động sẽ khó tránh khỏi lây nhiễm cộng đồng. Vì vậy, số liệu ca nhiễm hàng ngày không thực sự chính xác và không còn nhiều ý nghĩa ở thời điểm hiện tại", bà Hà nói
Lãnh đạo ngành Y tế thủ đô cho biết đã kiến nghị Bộ Y tế thay đổi cách đánh giá cấp độ dịch của địa phương. Thay vì đếm số ca nhiễm, nguy cơ nên được đo lường bằng số bệnh nhân nhập viện, nguy kịch, tử vong; tỷ lệ tiêm chủng và khả năng đáp ứng y tế.
Bà Hà khẳng định tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, nguy kịch, tử vong của Hà Nội đang trong ngưỡng an toàn. Số bệnh nhân cần can thiệp y tế chiếm dưới 4%, số ca nguy kịch, tử vong duy trì ở mức 0,4%.
Bên cạnh đó, với tỷ lệ người trên 18 tuổi ở Hà Nội được tiêm mũi 3 là 67%, bà Hà cho rằng thành phố đang có điều kiện để kiểm soát được dịch bệnh trong giai đoạn tiếp theo. "Chiến lược chống dịch của thành phố hiện không tập trung quá nhiều vào ngăn chặn lây nhiễm, mà chuyển hướng sang điều trị sớm ca chuyển nặng theo từng tầng, qua đó giảm tỷ lệ tử vong", bà Hà thông tin.
Thành phố đã mở toàn bộ giường điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 ở tất cả bệnh viện; làm việc với Bộ Y tế và bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành Trung ương để đề nghị hỗ trợ thu dung bệnh nhân. Trong đó có các bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Việt Đức, Bệnh nhiệt đới Trung ương, E, Hữu nghị Việt Xô; trực thuộc các bộ, ngành có bệnh viện Nông nghiệp, Thể thao, Dệt May, Xây dựng...
"Nếu số ca nhập viện tiếp tục tăng, ngoài khả năng thu dung của các biện viện trên, chúng tôi sẽ huy động thêm một số bệnh viện tuyến huyện ngoại thành tại Gia Lâm, Thạch Thất, Chương Mỹ, Sơn Tây", bà Hà nói, cho biết các bệnh viện được huy động có thể một nửa điều trị bệnh nhân Covid-19, nửa còn lại điều trị các bệnh khác.
Trước việc một số người dân phản ánh khó tiếp cận với dịch vụ y tế cấp xã, phường, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận có thực trạng này. Bà nói trong những ngày qua, áp lực lên đội ngũ y tế cơ sở lớn, có phường số F0 lên đến hàng nghìn người nên "rất khó tránh được tình trạng chuệch choạc trong hỗ trợ người dân".
Ngoài nhân viên y tế, người dân có thể gọi hỗ trợ từ tổ Covid cộng đồng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, đường dây nóng của tổ dân phố, cụm dân cư; nhóm chat do nhân viên y tế phụ trách, tổng đài 1022 hoặc lực lượng y, bác sĩ về hưu tình nguyện tham gia chống dịch tại địa phương.
Bà Nhị Hà đề nghị người dân khi phát hiện dương tính với nCoV cần bình tĩnh, tự chăm sóc sức khỏe, thông báo cho trạm, trung tâm y tế để kịp thời được hướng dẫn tự theo dõi, cũng như nhận gói thuốc. Chính quyền địa phương sẽ tăng cường mạng lưới hỗ trợ người mắc Covid-19, đặc biệt là các trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhìn nhận khả năng quá tải có thể xảy ra khi F0 cộng đồng tăng nhanh như hiện nay, đặc biệt ở Hà Nội. Ông phân tích, khi F0 tăng cao, số ca bệnh chuyển nặng, nguy kịch và tử vong sẽ tăng theo. Do vậy, ngành y tế cần tập trung cho nhóm người già, nhiều bệnh nền, chuyển tầng cho bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong.
Theo ông, hiện nay giới khoa học vẫn chưa coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu, theo mùa, nên các cơ quan và người dân không thể chủ quan. Ông nêu 3 lý do. Thứ nhất, bệnh đặc hữu có số mắc ổn định qua các năm, nhưng đến nay số liệu ca nhiễm Covid-19 chưa ổn định. Thứ hai, tỷ lệ tử vong do Covid-19 vẫn ở mức cao so với các bệnh đặc hữu thông thường. Và thứ ba, hệ thống y tế bắt đầu quá tải khi số ca bệnh tăng nhanh.
Từ cách tiếp cận trên, ông Phu cho rằng số ca nhiễm hàng ngày vẫn là dữ liệu quan trọng nhằm đánh giá mức độ dịch bệnh cũng như hoạch định chiến lược trong phòng chống dịch. Các địa phương không nhất thiết phải công bố số liệu này hàng ngày, nhưng cần căn cứ vào đây để xây dựng các kịch bản ứng phó một cách chi tiết.
Từ 27/4/2021 đến sáng 22/2, Hà Nội tiếp nhận tổng số 201.859 bệnh nhân, hiện đang điều trị 78.710 người. Số F0 được điều trị tại nhà hơn 72.500 người; tại cơ sở thu dung quận, huyện khoảng 1.200 người và tại các bệnh viện hơn 4.500 người. Trong đó, 75.103 người (95,84%) được điều trị ở tầng 1; tầng 2 là 2.640 người (3,37%). Tầng 3 gồm bệnh nhân nặng, nguy kịch hiện có 612 người (tỷ lệ: 0,79%).
Sơn Hà