"Bộ Y tế sẽ làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thống nhất hướng dẫn các nội dung cụ thể cho các đơn vị thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền hai bên sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết theo quy định", theo thông cáo sáng nay của cơ quan này.
Như vậy, việc thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn đang được thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 6807 ngày 9/11/2018 của Bộ Y tế; bãi bỏ công văn số 2009 ngày 12/4/2018. Nội dung này giải thích rõ hơn thông báo hôm 9/5 của Bộ này về việc "dừng" thanh toán bảo hiểm đối với dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy, thiết bị được đặt, mượn tại cơ sở khám chữa bệnh.
Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu về trang thiết bị của các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là rất lớn trong khi nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vốn viện trợ, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các đơn vị... còn rất hạn chế và không đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có hình thức đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất mang máy đến đặt hoặc cho mượn máy.
Để bảo đảm thanh toán BHYT đối với hình thức này, Bộ Y tế có công văn số 2009 gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên máy mượn, máy đặt. Tiếp theo đó, ngày 2/10/2018, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất thanh toán tiếp tục chi phí khám, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu và hợp đồng đã ký.
Bộ Y tế có công văn 6807 ngày 9/11/2018 gửi thông báo trên đến các đơn vị và địa phương. "Đến nay vẫn chưa có văn bản nào bãi bỏ thông báo này", thông cáo Bộ Y tế ghi.
Trong khi đó, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam chiều 14/5 cho biết "bị động" trước thông báo của Bộ Y tế về việc dừng thanh toán các dịch vụ kỹ thuật dùng máy đặt, mượn, ảnh hưởng bệnh nhân song vẫn phải thực hiện. Hai ngày trước đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương dừng thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) với những dịch vụ kỹ thuật này, thống kê lại số máy để báo cáo.
Đại diện Bảo hiểm xã hội cho rằng thông báo "dừng" của Bộ Y tế đột ngột, nhưng vẫn phải áp dụng với lý do "không thể tiếp tục chi bởi nếu không dừng hoặc dừng chậm có thể gây hậu quả nghiêm trọng, khi mỗi ngày, chi phí thanh toán từ dịch vụ này trên các bệnh viện cả nước lên tới hàng chục tỷ đồng".
UBND TP HCM và 7 bệnh viện cũng kiến nghị khẩn cấp cho tiếp tục thanh toán BHYT dịch vụ này hoặc thực hiện chuyển đổi theo lộ trình để bệnh viện có kế hoạch mua sắm thay thế, tránh ảnh hưởng bệnh nhân.
Theo đó, TP HCM cho rằng việc dừng thanh toán từ ngày 9/5 đẩy nhiều bệnh viện vào thế khó, ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh cũng như quyền lợi, tính mạng của người bệnh. Lý do là nhiều máy móc xét nghiệm tại bệnh viện công tuyến cuối là máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất. Danh mục kỹ thuật thực hiện trên các máy này là xét nghiệm thiết yếu, cơ bản phục vụ cho chẩn đoán, điều trị.
Đơn cử, từ ngày 9/5 đến 12/5 trên địa bàn TP HCM có hơn 9.400 lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cần xét nghiệm với chi phí hơn 47 tỷ đồng, bình quân 4 tỷ mỗi ngày. Thực hiện theo yêu cầu của Bộ Y tế, khoảng 16 tỷ đồng dịch vụ xét nghiệm trong bốn ngày sẽ không được bảo hiểm y tế thanh toán. Các bệnh viện có thể phải tạm ngưng dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm, đồng nghĩa người bệnh không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, có thể ảnh hưởng tính mạng.
Về vấn đề này, đại diện Bảo hiểm xã hội đồng tình là việc đột ngột dừng thanh toán ảnh hưởng tới quyền lợi khám chữa bệnh của bệnh nhân. Nếu chuyển đổi máy móc từ hình thức từ đặt, mượn sang thuê hoặc cho tặng đều cần có thời gian bàn giao, xác lập quyền sở hữu, không thể "phanh gấp dễ dồn toa". Kể cả khi tính đến phương án chuyển bệnh phẩm sang cơ sở khác có máy móc hợp pháp để làm xét nghiệm cũng cần thời gian để hai bên ký hợp đồng liên quan chuyên môn.
"Tất cả những nội dung này đều thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế và cần chờ ý kiến từ Bộ", đại diện Bảo hiểm xã hội cho hay.
Lê Phương - Hồng Chiêu