Bộ Công thương vừa đề nghị thu hồi một số sản phẩm kẹo trứng chocolate nhãn hiệu Kinder của Công ty Ferrero sản xuất tại Bỉ do có khả năng nhiễm khuẩn salmonella. Đây là sản phẩm được bán rộng rãi tại các siêu thị, tiệm tạp hóa..., rất hút khách, nhất là trẻ em vì có chocolate và đồ chơi trong mỗi chiếc kẹo.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho biết salmonella là độc tố có thể gây nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, lây lan từ ruột vào máu và các cơ quan khác trong cơ thể. Dấu hiệu khởi phát khi nhiễm khuẩn độc là người nôn nao, buồn nôn, nôn, đau bụng và đi ngoài phân lỏng. Một số trường hợp bị nhức đầu, đau đầu, mất ngủ, phát ban. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, thậm chí tử vong.
Con đường lây truyền vi khuẩn chủ yếu qua món ăn không nấu chín hoặc trong quá trình chế biến thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Điều kiện vệ sinh môi trường kém, nguồn nước không đảm bảo, hệ thống thoát nước không đạt chuẩn... cũng là nguồn lây bệnh.
Vi khuẩn salmonella có thể tồn tại trong nước từ hai đến ba tuần, ở trong phân từ hai đến ba tháng, bị tiêu diệt ở 100 độ C trong vòng 5 phút và có thể diệt bởi chất sát khuẩn thông thường. Do đó, người bệnh có thể lây cho người khác ngay trong thời kỳ ủ bệnh, hoặc người khỏi bệnh mang vi khuẩn sau khi hết các triệu chứng lâm sàng. Khoảng 2-20% người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường từ hai đến ba tháng sau khi hết các triệu chứng lâm sàng.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), vi khuẩn salmonella có nhiều chủng, ở Việt Nam thường gặp nhất là chủng salmonella typhi gây bệnh thương hàn. Để chẩn đoán nhiễm khuẩn salmonella, bác sĩ thường xét nghiệm phân.
Người nhiễm khuẩn nhẹ thì từ 3 đến 5 ngày là khỏi bệnh, hầu hết hồi phục mà không cần điều trị, một số trường hợp được chỉ định sử dụng kháng sinh. Nhiễm khuẩn nặng có thể dẫn đến biến chứng xuất huyết tiêu hóa (khoảng 15% ca), thủng ruột (1-3%), nặng hơn nữa là bị viêm cơ tim, trụy tim mạch, viêm túi mật, viêm gan, viêm não màng não, viêm cầu thận, viêm đài bể thận... Những trường hợp nặng thời gian điều trị thường dài và khó khăn, tốn kém hơn.
Nhìn chung khi bị ngộ độc, người bệnh cần nhanh chóng bù nước bằng điện giải, uống oresol. Trẻ em nhiễm khuẩn salmonella cần được theo dõi sát, bù nước theo đường uống, kể cả trường hợp bị nôn cũng phải bổ sung nước. Nôn và tiêu chảy là phản xạ của cơ thể để đào thải chất độc, do đó tuyệt đối không nên uống thuốc cầm nôn hay cầm tiêu chảy. Khi cơ thể đào thải hết độc tố thì sức khỏe cải thiện dần.
"Nếu không thể bù nước bằng đường uống, bệnh nhân phải đi viện để truyền dịch hoặc can thiệp thuốc", tiến sĩ Hùng khuyến cáo.
Để phòng ngừa nhiễm khuẩn, các bác sĩ khuyên nên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ hoặc chạm vào động vật, trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn. Giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, nguồn nước đảm bảo, ăn chín uống sôi. Cho trẻ từ 2 tuổi trở lên tiêm vaccine phòng ngừa thương hàn với một liều hiệu quả kéo dài ba năm, sau đó tiêm nhắc lại.
Tuần trước, sau khi có thông tin cảnh báo và thu hồi kẹo trứng chocolate Kinder tại một số nước châu Âu do nghi ngờ nhiễm vi khuẩn salmonella, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) đã rà soát thị trường, lấy mẫu kiểm nghiệm. Kết quả ban đầu cho thấy các sản phẩm tương tự bán ở Việt Nam "không bị nhiễm khuẩn". Sau đó, tập đoàn Ferreo đã mở rộng diện cảnh báo và thu hồi thêm nhiều chủng loại, sản phẩm trứng chocolate tại một số nước châu Âu, Australia và New Zealand... nên Bộ Công thương tiếp tục mở rộng diện rà soát.
Dòng kẹo trứng chocolate nhãn hiệu Kinder tại Việt Nam thuộc diện rà soát thu hồi gồm Kinder Surpise 20 g hạn sử dụng tới tháng 7/2022; Kinder Surprise 100 g, Kinder Mini eggs 75 g, Kinder eggs Hunt kit 150 g, Kinder Schokobons 200 g... hạn dùng từ 20/4/2022 đến 21/8/2022. Đây đều là các sản phẩm được doanh nghiệp nhập khẩu từ châu Âu.
Thùy An