Khi thế giới đang trong cuộc đua tỷ đôla tìm ra cách đẩy lùi đại dịch, Nga trở thành quốc gia bứt tốc đột ngột, sau gần ba tháng thử nghiệm lâm sàng.
Ngày 11/8, Tổng thống Vladimir Putin thông báo nước này đã phê duyệt loại vaccine đầu tiên ngừa Covid-19 với tên gọi "Sputnik V". Ông cũng chia sẻ con gái mình đã được tiêm thử sản phẩm này.
Theo Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko, Sputnik V được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật Quốc gia Gamaleya, thành phố Moskva. Công nghệ dựa trên nền tảng từng dùng cho 6 loại vaccine khác: vector virus.
Các nhà khoa học sử dụng đoạn mã gen chứa protein của nCoV, "gắn" vào virus cảm lạnh vô hại và tiêm chúng cho người dùng. Cơ thể từ đó nhận diện, làm quen với mầm bệnh và tạo phản ứng miễn dịch. Mũi tiêm thứ hai diễn ra sau 28 ngày, gọi là liều bổ sung để duy trì kháng thể lâu dài.
Ông Murashko khẳng định tất cả tình nguyện viên đều phát triển nồng độ kháng thể lớn, đủ khả năng đẩy lùi nCoV.
"Không ai trong số họ gặp phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm", ông nói thêm.
Bộ Y tế cũng tuyên bố thời gian duy trì bảo vệ của vaccine là hai năm.
Nga chưa tiết lộ quá nhiều dữ liệu về quá trình thử nghiệm. Hôm 12/8, nước này thông báo nghiên cứu giai đoạn ba trên 2.000 tình nguyện viên đã bắt đầu tại Trung Đông và Mỹ Latinh. Thông thường, thử nghiệm giai đoạn ba cần có sự tham gia hàng chục nghìn người.
Nga cũng đã tính đến phương pháp phân phối vaccine. Tổng thống Putin hy vọng quá trình sản xuất hàng loạt sẽ bắt đầu trong tương lai gần. Vaccine được điều chế tại hai cơ sở: Viện Gamaleya của Bộ Y tế Nga và Công ty Chế phẩm sinh học Binnopharm.
Theo giới chức nước này, khoảng 20 quốc gia đã đặt hàng trước những liều vaccine đầu tiên.
Ông Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, nói thêm: "Khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á bày tỏ sự quan tâm lớn đến vaccine. Chúng tôi sắp hoàn tất một số hợp đồng mua bán".
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã công khai thể hiện sự hào hứng của mình đối với phát minh mới từ Nga. Ông tuyên bố sẵn sàng tình nguyện tham gia các thử nghiệm tiếp theo.
Tuy nhiên, sản phẩm khó lòng đáp ứng được các quy định phê duyệt nghiêm ngặt của các nước trong Liên minh châu Âu và Mỹ.
Giới chức Nga vừa qua cũng cho biết sẽ bắt đầu tiêm vaccine trong hai tuần nữa. Nhân viên y tế tuyến đầu là các đối tượng ưu tiên tiêm phòng. Đến cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9, các chuyên gia có thể dùng vaccine. Kế hoạch chủng ngừa đại trà cho toàn bộ dân số dự kiến khởi động vào tháng 10, trên tinh thần tự nguyện. Đến tháng 11, vaccine sẵn sàng lên kệ tại các quốc gia khác.
Thục Linh (Theo Russia Times, CNN)