Các thử nghiệm ban đầu cho thấy, kháng thể do vaccine Covid-19 của Moderna tạo ra có thể nhận dạng và đối phó với nCoV. Nghiên cứu lấy mẫu máu của 8 người đã tiêm 2 liều vaccine Moderna.
Trước đó, hãng dược này cũng cho biết, vaccine tạo ra kháng thể chống lại chủng B.1.1.7 ở Anh tương đương các biến thể trước. Mức tạo kháng thể giảm đi 6 lần với chủng B.1.35 phát hiện ở Nam Phi, nhưng vẫn có thể phát huy hiệu quả bảo vệ.
Trong nhiều phát ngôn trước đó, hãng dược của Mỹ rất tin tưởng công nghệ mRNA của vaccine sẽ ngăn ngừa biến thể mới xuất hiện tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, những người được tiêm loại vaccine này trước đó có thể kháng biến chủng mới hay chưa thì cần nghiên cứu thêm.
Các loại vaccine hiện có được phát triển để đối phó với nCoV đời đầu. Nhưng theo những nhà nghiên cứu, chúng vẫn có tác dụng chống lại các chủng nCoV xuất hiện về sau, song tỷ lệ thành công không cao bằng.
Biến chủng nCoV được phát hiện ở Anh hồi tháng 9/2020, hiện lan nhanh ở một số quốc gia, có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với virus gốc.
Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) phê duyệt vaccine Moderna vào ngày 6/1. Vaccine được tiêm chủng ở Mỹ. Canada là quốc gia thứ hai cho phép tiêm loại vaccine này. Các nước như Đức, Hàn, Anh... đặt hàng nhiều lô vaccine của hãng dược Mỹ. 17 triệu liều dự kiến đến Anh vào mùa xuân.
Theo đại diện Moderna, vaccine cho hiệu quả miễn dịch kéo dài ít nhất một năm và cần 2 liều tiêm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi không nên tiêm vaccine này.
Ngọc An (Theo BBC)