Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng đang thảo luận về hình thức triển khai tiêm chủng (ở trường học hay ở địa phương lưu trú). Thông tin được Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành nhằm đánh giá công tác tiêm vaccine Covid-19, chiều 11/10.
Hai hôm trước, các chuyên gia tại TP HCM khẩn thiết đề nghị sớm có kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, trong bối cảnh thành phố định mở cửa trường học vào đầu năm 2022.
Ngày 28/8, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xem xét tiêm chủng Covid-19 cho trẻ nhỏ trước thềm năm học mới. Một tuần sau đó, Bộ Y tế thông báo chưa tiêm cho trẻ em do nguồn cung vaccine đang thiếu và phải ưu tiên cho nhóm nguy cơ.
Việt Nam có khoảng 25 triệu trẻ em, trong đó TP HCM khoảng 1,8 triệu trẻ 5-18 tuổi. Khi người lớn đã chích ngừa, nguy hiểm mắc Covid-19 sẽ dồn cho trẻ em.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết tỷ lệ trẻ em tử vong do Covid-19 không cao so với người lớn song ảnh hưởng về lâu dài của dịch với thể chất, tinh thần của trẻ, dù chưa được nghiên cứu kỹ.
Hiện, các nước đã tiêm cho trẻ em 12-18 tuổi. Một số nước cũng tiêm cho trẻ 5-12 tuổi, thậm chí từ 2 tuổi trở lên. Mỹ đã chích ngừa cho trẻ em 12-17 tuổi. Vaccine Pfizer đang thử nghiệm tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi. Vaccine của Cuba có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và đã triển khai tại nước này.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho biết Bộ đang xây dựng hướng dẫn, dự kiến tháng 10 bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi, sau đó mở rộng các nhóm tuổi thấp hơn. Dự kiến lượng lớn vaccine Pfizer sẽ về Việt Nam thời gian tới. Ông Thuấn cũng cho biết trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Chủ tịch nước đề nghị nước này sớm gửi hồ sơ về vaccine tiêm cho trẻ em để xem xét.
Đến nay, cả nước đã tiêm được khoảng 55 triệu liều. Gần 39 triệu người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 (54,3% dân số từ 18 tuổi), 16 triệu người đã tiêm mũi 2 (22,1%).