Họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM chiều 19/6, Phó thủ tướng nói: "Đây là chiến thuật mới thành phố cần áp dụng trước diễn biến phức tạp của dịch".
Theo Phó Thủ tướng, TP HCM cần "cân nhắc mọi tình huống có thể xảy ra", chủ động xây dựng và triển khai một số biện pháp chống dịch tương ứng riêng, cụ thể, linh hoạt.
Ông nhấn mạnh, biện pháp phòng chống dịch hiệu quả hiện nay là "Vaccine + 5K + Công nghệ". Trong đó, công nghệ phải được ứng dụng trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; ứng dụng trong quá trình tiêm chủng vaccine Covid-19 cũng như công tác truy vết, cách ly, trong quản lý hành chính... để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Đơn cử, từ sáng 19/6, khi thành phố triển khai tiêm chủng cho 500 công nhân, nhân viên đầu tiên tại khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, nhiều nhân viên của Công ty Nipro Vietnam và Công ty FPT, thuộc nhóm được tiêm chủng đã nhận được tin nhắn của Sở Y tế. Tin nhắn có nội dung mời đi tiêm vaccine Covid-19 với khung giờ và địa chỉ tiêm rõ ràng.
Ngoài ra, trong nội dung tin, Sở Y tế còn nhắc người đi tiêm nhớ khai báo y tế điện tử trước khi đến điểm tiêm trong vòng 24 giờ (đường link đính trên tin nhắn).
Sở Y tế nhận định, ứng dụng công nghệ vào triển khai tin nhắn nhắc người dân đi tiêm ngừa vaccine Covid-19, chắc chắn sẽ giúp rút ngắn thời gian làm các thủ tục hành chính trước khi tiêm. Đồng thời, ứng dụng giúp người đi tiêm đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống Covid-19, nhất là khai báo y tế và sàng lọc trước tiêm.
Từ ngày 19/6, thành phố bắt đầu đợt tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Đợt tiêm này được tổ chức thần tốc trong 7 ngày, với 836.000 liều vaccine ngừa Covid-19, là phần vaccine thành phố được Bộ Y tế ưu tiên phân bổ trong số 966.320 liều do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam, trong bối cảnh số ca Covid-19 cộng đồng ở thành phố tăng nhanh liên tục từ ngày 18/5.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng tại Lễ triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng cho biết, thành phố đặt mục tiêu 2/3 người dân TP HCM được tiêm vaccine Covid-19 trong năm nay. Để đạt mục tiêu này, thành phố đã và đang chủ động đàm phán tìm nguồn vaccine từ các nhà sản xuất, phân phối có uy tín trên thế giới. Trước mắt, thành phố tận dụng số vaccine hiện có để thần tốc "tiêm hết, tiêm an toàn" cho các nhóm cần ưu tiên cấp thiết.
Thành phố sẽ tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng với số lượng 650 điểm tiêm mỗi ngày. Mỗi điểm tiêm chỉ thực hiện cho 200 người một ngày. Như vậy, nếu đúng tiến độ, sẽ có 200.000 người được tiêm chủng mỗi ngày và chiến dịch tiêm sẽ hoàn thành trước ngày 27/6.
Về 5K, các biện pháp Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế vẫn được áp dụng triệt để, đặc biệt là đeo khẩu trang.
Thành phố đang giãn cách theo Chỉ thị 15. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định diễn biến dịch bệnh vô cùng phức tạp, dù toàn thành phố đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm và về cơ bản đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm nhưng vẫn "chưa khống chế được dịch bệnh".
Vì vậy, từ 0h 20/6, thành phố quyết định phong tỏa theo Chỉ thị 16, tại hai nơi trọng điểm gồm khu phố, 2, 3, 4 phường An Lạc, quận Bình Tân và ấp Tân Thới 2, 3 và một phần xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, trong vòng hai tuần. Bên cạnh đó, ngày mai thành phố sẽ tăng cường các biện pháp quyết liệt hơn, để cố gắng dập dịch trong một tuần tới.
Theo Bí thư Nên, biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiêm vaccine nhưng để vaccine hoạt động hiệu quả cần có thời gian. Do đó, trước mắt vẫn cần tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng. Đồng thời có biện pháp kiểm soát và giảm bớt dòng người đến TP HCM. Đặc biệt, cần nâng cao mức giãn cách xã hội tại thành phố.
"Quyết tâm sau một tuần tới, thành phố có thể khống chế được dịch bệnh. Chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài", Bí thư Nên nói.
Từ ngày 27/4 đến sáng 20/6, TP HCM ghi nhận 1.527 ca Covid-19 cộng đồng, vượt Bắc Ninh, chỉ sau Bắc Giang. Hai bệnh nhân đã tử vong.
Thư Anh