Trẻ mắc bệnh tay chân miệng vẫn tiếp tục tăng với nhiều ca nặng, tử vong, nhưng các bệnh viện tại TP HCM cũng như phía Nam thiếu nguồn cung ứng thuốc IVIG tiêm tĩnh mạch. Đặc biệt, năm nay tỷ lệ nhiễm chủng Enterovirus 71 (EV71) đang dần chiếm ưu thế trong các mẫu xét nghiệm ca bệnh nặng. Chủng virus này khiến người nhiễm bị bệnh nặng, nguy cơ tử vong nhiều hơn so với các tác nhân khác, từng gây các vụ dịch lớn vào năm 2011 và 2018.
IVIG là một trong những thuốc điều trị hỗ trợ hiệu quả đối với trường hợp tay chân miệng nặng, giảm tỷ lệ chuyển độ cũng như biến chứng nặng. Thuốc được điều chế trực tiếp từ huyết tương người nên việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp huyết tương thông qua hiến máu.
Ngày 24/6, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, cho biết tại Việt Nam, chế phẩm Immunoglobulin chưa được sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Hai năm qua, nguồn cung ứng thuốc khan hiếm trên toàn cầu do ảnh hưởng của Covid-19, khiến các bệnh viện luôn trong tình trạng lo ngại thiếu thuốc.
Nói về việc thiếu thuốc tác động thế nào đến điều trị, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trong bối cảnh số trẻ mắc tay chân miệng nặng, nguy kịch liên tiếp nhập viện, nếu các bệnh viện sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, nguồn dự trữ sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Thời gian qua, chuyên gia từ các bệnh viện đã họp và thống nhất điều chỉnh phương pháp điều trị tạm thời, sử dụng thuốc hết sức cân nhắc.
"Chẳng hạn, nếu trẻ mắc tay chân miệng nặng cần dùng hai liều theo phác đồ thì chỉ dùng một liều theo dõi và đánh giá tiếp, để dành thuốc cho những ca thật sự nặng hơn", bác sĩ Hùng nói và thêm rằng các bác sĩ phải hội chẩn và cân nhắc rất kỹ để đưa ra quyết định, nhằm cố gắng cứu sống từng bệnh nhi.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ (nơi tiếp nhận bệnh nhi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), việc thiếu IVIG trong bối cảnh bệnh nhân tăng đột biến khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn trong điều trị, buộc chuyển tuyến các trẻ nặng.
"Trong 1-2 tuần tới, ca mắc tiếp tục tăng mà chưa có nguồn thuốc thì rất khó khăn cho việc tiếp nhận, chữa trị", bác sĩ Ông Huy Thanh, Phó giám đốc bệnh viện, cho hay.
Đầu tháng 6, Sở Y tế TP HCM đề nghị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng. Do điều chế trực tiếp từ huyết tương người, chỉ được phép đưa ra lưu hành, sử dụng sau khi có giấy chứng nhận chất lượng do Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế cấp. Ngày 23/6, Viện đã cấp giấy chứng nhận xuất xưởng cho 6.000 lọ thuốc do một công ty nhập khẩu. Các bệnh viện đã tiếp cận được nguồn thuốc mới nhập khẩu này và đang thực hiện các thủ tục để mua sắm thuốc, đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, một vấn đề khó khăn là những thuốc này có hạn sử dụng ngắn, cần thời gian sản xuất, việc dự trù để mua sắm khó khăn do khó tiên đoán diễn tiến dịch bệnh. Thuốc cần được mua về dự trữ, nếu không sử dụng hết thì hết hạn sử dụng, phải tiêu hủy rất lãng phí, đồng thời phải giải trình nên các bệnh viện thường không dám mua sắm nhiều.
"Trong khi chờ đợi nguồn sản xuất tại chỗ, Bộ Y tế cần có cơ chế mua sắm và sử dụng phù hợp, giúp đảm bảo cung ứng thuốc cho nhóm dịch bệnh lưu hành và một số bệnh nguy hiểm, ít gặp", bác sĩ Châu nói.
Trong cuộc họp với Bộ Y tế mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức kiến nghị Bộ sớm ban hành cơ chế, chính sách giải quyết những vấn đề phát sinh về mặt tài chính khi không sử dụng hết cơ số thuốc. Có như vậy mới "giải phóng" tâm lý lo ngại cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế khi thực hiện mua sắm, đấu thầu, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc trong điều trị dịch bệnh.
Mặc khác, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM đề xuất cơ quan chức năng có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp dược nghiên cứu sản xuất thuốc Immunoglobulin thay vì phụ thuộc nhập khẩu, trong bối cảnh dịch tay chân miệng tiếp diễn lâu dài.
Lê Phương