Ngày 23/6, tại buổi họp trực tuyến của Bộ Y tế với 20 tỉnh phía Nam về phòng chống sốt xuất huyết và tay chân miệng, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng (Viện phó Pasteur TP HCM) cho biết khu vực ghi nhận 7 trẻ tử vong, trong đó 5 ca do chủng EV71, còn lại chưa có kết quả xét nghiệm. Cùng kỳ năm ngoái, phía Nam ghi nhận hai trường hợp qua đời do căn bệnh.
Trước đó, Viện Pasteur TP HCM phát hiện EV71 "tái xuất" từ tháng 4, sau gần hai năm không phát hiện. Tỷ lệ nhiễm EV71 đang dần chiếm ưu thế trong các mẫu xét nghiệm ca bệnh nặng. Chủng virus này khiến người nhiễm bị bệnh nặng, nguy cơ tử vong nhiều hơn so với các tác nhân khác.
"Dự báo EV71 có thể sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới", ông Thượng nói, thêm rằng chủng này cũng là tác nhân gây các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018, theo chu kỳ vài năm một lần.
Bên cạnh việc xuất hiện trở lại của chủng virus nguy hiểm, bác sĩ Thượng cho rằng dịch tăng nhanh và có thể diễn biến phức tạp do tay chân miệng thường gặp nhóm trẻ mầm non dưới 5 tuổi trong khi nhóm này còn đi học hè. Bệnh thường lây qua đường tiêu hóa ở trẻ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ. Khi số mắc tăng sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng, theo quy luật của các bệnh truyền nhiễm.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác làm tăng tỷ lệ nặng, tử vong là một số nơi chưa phân độ bệnh rõ ràng, ảnh hưởng việc đánh giá điều trị kịp thời. Điều này cũng tác động tiêu cực đến việc hạn chế nguy cơ chuyển nặng cũng như chuyển tuyến kịp thời. Đặc biệt, với trẻ mắc chủng EV71, có tỷ lệ nhất định tiến triển biểu hiện thần kinh như viêm não, gây khó khăn trong điều trị.
Cuối cùng, theo ông Thượng, khoảng 80% người lớn mắc tay chân miệng không biểu hiện triệu chứng, là nguồn lây chính cho trẻ, khó có thể phòng ngừa. Trong khi mật độ dân số cao, sống chật chội, giao lưu đi lại nhiều, điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, khí hậu nóng ẩm của miền Nam cũng tạo điều kiện để bệnh lây lan.
Đến nay, phía Nam đã ghi nhận hơn 9.000 ca mắc tay chân miệng, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng hệ số ca mắc tăng cao từ cuối tháng 4 đến nay. Như tại Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng (nơi tiếp nhận bệnh nhi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) điều trị gần 400 ca mắc tay chân miệng trong hai tuần đầu tháng 6. Trong tháng 5, số ca là 490, tăng 140% so với tháng 4. Tình hình tương tự diễn ra ở Cà Mau, An Giang, Kiên Giang...
Trước bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, Cục trưởng Y tế Dự phòng Phan Trọng Lân yêu cầu các địa phương cần tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực dự phòng, điều trị bệnh cũng như theo dõi, phân tích tình hình dịch, có giải pháp kịp thời.
"Đặc biệt lưu ý tập huấn các phòng khám tư nhân trong phát hiện, xử trí sớm ca bệnh, bởi một số cơ sở chưa quan tâm đến bệnh này để có chẩn đoán kịp thời, từ đó điều trị sớm nhằm hạn chế biến chứng và tử vong", ông Lân nói.
Bên cạnh đảm bảo trang thiết bị và vật tư hóa chất, thuốc điều trị, cần truyền thông tại cộng đồng cũng như trường học các dấu hiệu sớm của bệnh. Viện Pasteur TP HCM cùng ngành y tế phía Nam tiếp tục giám sát phòng xét nghiệm để cảnh báo và triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.
Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine nên cách phòng bệnh hiệu quả và đơn giản là đảm bảo ba sạch, gồm ăn uống, ở, bàn tay và đồ chơi sạch. Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước và sau khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, bế ẵm, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, chân, mông, đầu gối, cần đưa các em đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Trẻ bệnh cần được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát.
Lê Phương