Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Khoa Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân sau khi bị rắn cắn có biểu hiện sụp mi mắt, nói đớ, khó thở, chân tay khó cử động. Người nhà giết được con rắn mang lên cho bác sĩ xem. Đây là loại rắn cạp nia, có khoang đen trắng đều nhau, thích hơi ấm của người và thường chui vào chăn nệm tấn công người lúc ngủ.
Theo bác sĩ Thơ, bệnh nhân được truyền huyết thanh kịp thời để giải độc và đang dần cải thiện. Rắn cạp nia thuộc nhóm rắn hổ, là loại rắn độc. Nọc rắn này có thể gây nhiễm độc thần kinh với các biểu hiện sụp mi mắt, nói đớ, nuốt nước miếng không được, khó thở và diễn tiến ngưng thở, tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Nhóm rắn độc thường gặp khác là rắn lục, chàm quạp, sải cổ đỏ... Nhóm này thường gây rối loạn đông máu, chảy máu nhiều, có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết não và tử vong. Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 trường hợp bị rắn cắn, gặp nhiều trong mùa mưa.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân khi bị rắn cắn phải bình tĩnh, rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng. Sau đó cần tiến hành băng ép, không cột garo. Lưu ý băng ép vừa phải, có thể luồn được 2 ngón tay vào, không cột quá chặt vì có thể gây thiếu máu hoại tử. Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được xử trí. Nếu được nên mang theo thủ phạm cắn người để bác sĩ xác định loại rắn độc và dễ dàng truyền huyết thanh phù hợp cho nạn nhân. Tuyệt đối không rạch vết thương để hút nọc độc.