Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng phải thở nhờ bóp bóng qua nội khí quản. Trước đó, bệnh nhân uống rượu rồi đi ra đồng khoảng 2 giờ. Về nhà ông có dấu hiệu bị tê đầu lưỡi, tức ngực, khó thở tăng dần, được đưa đến Bệnh viện huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cấp cứu trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp. Tại đây, các bác sĩ đặt nội khí quản cho bệnh nhân rồi tiếp tục chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ ở giờ thứ 14.
Lúc này, người bệnh đã hôn mê sâu, chỉ số Glasgow còn 3 điểm, liệt tứ chi, sụp mi, không tự thở được, đồng tử hai bên giãn tối đa, mất hoàn toàn phản xạ với ánh sáng. Bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực - Chống độc chẩn đoán các tình huống bệnh nhân bị đột quỵ não, ngộ độc ethanol hoặc methanol trong rượu, nhiễm trùng thần kinh, hạ natri máu...
Kết quả cận lâm sàng, loại trừ các bệnh lý do tổn thương thần kinh..., cuối cùng bác sĩ xác định người bệnh đã bị rắn cạp nia cắn. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ ngộ độc rắn cạp nia, kết hợp thở máy. Nhờ chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, bệnh nhân dần hồi tỉnh, tự thở được, tình trạng nhiễm độc được khống chế.
Hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, không để lại di chứng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Khoa hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, đây là ca bệnh đặc biệt nguy hiểm và bệnh nhân cũng không biết mình bị rắn độc cắn.
Rắn độc cắn, đặc biệt là rắn cạp nia, rất nguy hiểm với tính mạng nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nọc độc rắn cạp nia có thể khiến người bệnh tử vong nhanh do tình trạng liệt cơ hô hấp, hoặc để lại di chứng liệt và hôn mê vĩnh viễn do thiếu oxy não kéo dài.