Ngâm mình trong nước tắm nóng là cách tuyệt vời để cải thiện tuần hoàn máu và đào thải chất độc khỏi cơ thể qua tuyến mồ hôi.
"Tắm nước nóng đem lại nhiều lợi ích khác nhau, tùy vào nhiệt độ nước", tiến sĩ Kim Koh-woon tại Bệnh viện Đại học Kyunghee (Hàn Quốc) nói với Chosun. "Nước ấm khoảng 38 độ C kích thích hệ thần kinh giao cảm và có tác dụng an thần, nước nhiệt độ cao hơn 42 độ C sẽ kích thích hệ thần kinh giao cảm và tiếp thêm năng lượng cho cơ thể."
Áp lực nước lên cơ thể ở mức độ vừa phải còn có tác dụng massage cơ thể, giảm sưng, xua tan mệt mỏi. Tuy vậy, ngâm cả người trong bồn tắm có thể khiến tim và phổi chịu những áp lực không cần thiết. Do đó, chỉ nên ngâm nửa thân dưới trong bồn tắm sẽ tốt hơn.
Cơ thể cần được thích nghi từ từ với nước ấm theo thứ tự mắt cá chân, đầu gối, eo, cánh tay, vai, ngực. Đừng tắm quá lâu đến mức đổ mồ hôi nhiều và thấy buồn nôn. Chỉ cần vùng trán hoặc mũi tiết một chút mồ hôi là đủ. Uống một cốc mật ong pha lẫn nước ấm sau khi tắm có thể bảo vệ cơ thể khỏi những thay đổi nhiệt độ đột ngột khi tiếp xúc với không khí lạnh và duy trì cân bằng điện giải.
Rất nhiều người tắm nước nóng để giảm các triệu chứng cảm lạnh, tuy nhiên đây là sai lầm. Nếu tiếp xúc với không khí lạnh ngay sau khi rời bồn tắm, năng lượng sẽ bị đốt cháy để duy trì nhiệt độ cơ thể khiến các tế bào miễn dịch suy yếu, làm cho sức khỏe giảm sút.
Phụ nữ mang thai nên cẩn trọng khi tắm nước nóng. Giai đoạn đầu của thai kỳ, hệ thần kinh của em bé đang phát triển, nhiệt độ nước ối quá cao có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai.
Người bị huyết áp cao, tiểu đường, xơ cứng động mạch hay các bệnh tim mạch cũng nên tránh tắm nước nóng bởi nước nóng có nguy cơ làm tăng huyết áp và gây chóng mặt. Thay vào đó, tắm nhanh với ấm trong khoảng 5 phút sẽ tốt hơn cho cơ thể.
Người mắc các bệnh mạn tính, hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ.
Cuối cùng, không tắm ngay sau khi ăn, uống đồ uống có cồn hoặc vận động mạnh vì dễ làm tăng huyết áp, khó tiêu, tạo áp lực lên tim.
Lê Hằng